Tư vấn

Thực vật thủy sinh làm sạch nước

  • Tác giả : Phong Lâm (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Thực vật thủy sinh là các loài có lá, có rễ, phần lớn chúng đều có bộ rễ rất lớn. Đây chính là bộ phận để hấp thụ chất hữu cơ và kim loại nặng có trong nước.

Hỏi: Nhà tôi ở cạnh một cái hồ rất rộng nhưng gần đây nước ô nhiễm bốc mùi hôi. Xin hỏi nên trông cây gì để nước hồ luôn trong, sạch?

Hoàng Thị Thuyết (Hà Nội)

GS.TS Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ đời sống: Môi trường nước hồ có sự tồn tại của 3 đơn vị cấu thành: Động vật, vi sinh vật và thực vật thủy sinh. Động vật chỉ ăn chất hữu cơ. Vi sinh vật có nhiệm vụ phân giải chất hữu cơ thành vô cơ. Thực vật thủy sinh là các loài có lá, có rễ, phần lớn chúng đều có bộ rễ rất lớn. Đây chính là bộ phận để hấp thụ chất hữu cơ và kim loại nặng có trong nước. Tất cả các loại chất thải trong hồ sẽ được bộ rễ của loài thực vật này truyền lên lá. Lá chứa chất vô cơ dư thừa. Vì thế lá của chúng luôn có màu xanh rất đặc trưng và nước hồ thường trong vắt.

Thực vật thủy sinh khá phong phú về chủng loại như: sen, súng, thủy trúc, bèo, lau, sậy, rong đuôi chó, rong đuôi chồn... Nếu được trồng đúng cách, các hồ sẽ không chỉ sạch nước mà còn tạo ra một cảnh quan đẹp mắt. Không những hút được chất độc, các cây này còn giúp tăng khả năng làm sạch của sông hồ.

Trồng thực vật thủy sinh là biện pháp vừa rẻ vừa hữu hiệu, tuy nhiên khi thực hiện cần phải có sự kiểm soát. Ví dụ, bèo tây phát triển khá nhanh làm cho ánh sáng trong nước yếu đi, hàm lượng oxy giảm đe dọa tới sự phát triển của các loài khác trong sông hồ…

Cách tốt nhất là đóng thành các bè thả trên mặt hồ. Cách này vừa kiểm soát được sự phát triển, vừa tạo cảnh quan đẹp cho mặt hồ. Người ta có thể tạo thành từng giỏ hoa sen, hoa súng nổi lênh đênh trên mặt nước để điểm xuyết vào không gian cảnh quan này. Đây là thực vật thủy sinh sống ở tầng giữa của mặt nước, chúng sẽ tạo cho nước hồ trong xanh và cảnh quan đẹp.

Phong Lâm (ghi)