Tư vấn

Xử lý khi bị sứa cắn

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Các vết châm, cắn do một số loài cá (ví dụ như cá đuối gai độc), sứa và các loài động vật biển khác gây ra đều rất đau, có thể gây ra biến chứng trầm trọng như viêm da hoại tử, gây tán huyết, tê liệt cơ...

Hỏi: Khi tắm biển tôi hay bị sứa đốt rất đau, xin hỏi nên xử lý như thế nào?

Vũ Hạnh Trang (Hà Nội)

TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật: Các vết châm, cắn do một số loài cá (ví dụ như cá đuối gai độc), sứa và các loài động vật biển khác gây ra đều rất đau, có thể gây biến chứng trầm trọng như viêm da hoại tử, gây tán huyết, tê liệt cơ và thần kinh hoặc gây ra các vấn đề về tim, hô hấp…

Khi bị sứa cắn, nên nhanh chóng rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt. Không rửa bằng nước ngọt hoặc nước nóng vì sẽ làm tổn thương nặng hơn. Vết thương do sứa đốt thường mẩn đỏ, có dạng thẳng hoặc xoắn, gây đau rát dữ dội. Khi gặp phải vết thương này, cần hạn chế cử động, tránh chạm vào vùng bị thương, chườm lạnh lên vết thương trong vòng 1 tiếng đầu sẽ giảm được đau. Sau khi vùng bị đốt đã khô, có thể bôi thuốc giảm ngứa hoặc kem gây tê 4h một lần trong vài ngày.

Trong trường hợp bị nặng và có biểu hiện trầm trọng như mệt, mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở,… phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sứa biển không hoạt động theo mùa mà có quanh năm. Do đó khi đi du lịch, chẳng may bị sứa biển cắn thì phải được xử lý kịp thời. Du khách khi đi du lịch biển nên mang theo một số loại thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim, thuốc chữa tiêu chảy và một chai giấm để khi bị sứa đốt thì chủ động xử lý. Ngoài ra còn có thể sử dụng kinh nghiệm dân gian với cây muống biển: Sau khi loại bỏ các xúc tu còn găm trên da của sứa, hái vài lá muống biển, nhai nát rồi đắp vào phần da tiếp xúc với sứa, vùng da tổn thương sẽ lành rất nhanh.

Hà Bình