Tư vấn

Tập thể dục làm chậm quá trình lão hóa

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Không ai phủ nhận được lợi ích của việc tập thể dục. Ngoài nâng cao sức khỏe, tinh thần sảng khoái thì tập thể dục còn làm chậm quá trình lão hóa.

Không ai phủ nhận được lợi ích của việc tập thể dục. Ngoài nâng cao sức khỏe, tinh thần sảng khoái thì tập thể dục còn làm chậm quá trình lão hóa.

Theo ThS Lưu Liên Hương, Viện Y học Ứng dụng, các nhà khoa học gần đây phát hiện ra tập thể dục có tác dụng tới cấp độ tế bào và có thể làm chậm quá trình lão hóa. Nhưng đây phải là quá trình lâu dài chứ không thể có được trong vài ngày. Những người tập thể dục thường xuyên nhận được vô vàn lợi ích sức khỏe. Nghiên cứu về telomere trên 5.382 người trưởng thành cho thấy tế bào trong cơ thể của những người tập thể dục thường xuyên trẻ hơn một cách đáng kể. Telomere là những trình tự lặp lại của ADN ở các đầu mút của nhiễm sắc thể, bảo vệ chúng khỏi các tổn thương. Theo thời gian, telomere biến mất dần, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư ở tuyến tụy, xương, tuyến tiền liệt, bàng quang, phổi, thận.

Điều đáng nói, telomere ở nhóm tập luyện ít và trung bình gần như tương đương nhau. Nghĩa là bạn tập luyện ít hoặc ở mức trung bình thì cũng gần như là không tập luyện.  Vậy tập luyện bao nhiêu mới là đủ?  Nghiên cứu quan sát các bài tập đi bộ, đạp xe, chạy bộ ở các mức độ khác nhau: Đi bộ ít (dưới 2,5 giờ/tuần), trung bình (2,5-5 giờ/tuần), nhiều (hơn 5 giờ/tuần); Đạp xe ít (dưới 2 giờ/tuần), trung bình (2-4 giờ/tuần), nhiều (hơn 4 giờ/tuần); Chạy bộ ít (dưới 1 giờ/tuần), trung bình (1-2 giờ/tuần), nhiều (hơn 2 giờ/tuần). Ở nhóm thứ 3 - tập luyện nhiều thời gian hơn - tế bào trẻ hơn khoảng 9 năm. Nghĩa là kết quả chỉ có được khi quá trình tập luyện kéo dài.

Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn mình trẻ lâu, quá trình lão hóa diễn ra chậm hơn thì bạn phải tập thể dục từ khi còn trẻ. Đợi đến khi đã lão hóa rồi thì mục đích ngăn ngừa lão hóa sẽ rất thấp, tất nhiên tập luyện ở lứa tuổi nào cũng tốt hơn là không tập. .

Phong Lâm

Hà Bình