Tư vấn

Lưu ý khi ướp chè sen, nhài

Cứ đến mùa hoa sen, nhà, sói, bưởi… nhiều người muốn thu hái các loại hoa này để ướp chè. Tuy nhiên, nếu ướp không đúng khiến chè rất nhanh bị mất mùi và bị ẩm, mốc.

Cách đơn giản nhất là hấp phụ trực tiếp (hoa và chè trộn lẫn vào nhau).

GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, Hội KH&CN Chè Việt Nam: Ở Việt Nam chè hoa tươi được ưa thích bởi chúng sử dụng thuần túy lượng tinh dầu của hoa tươi thiên nhiên thơm mát. Vào mùa hoa sen, hoa nhài, bạn hoàn toàn có thể tự thu hái các loài hoa này để ướp chè.

Việc ướp hoa không khó, cách đơn giản nhất là hấp phụ trực tiếp (hoa và chè trộn lẫn vào nhau). Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều gia đình mới ướp hương để 1 – 2 tháng chè đã mất mùi, ẩm, mốc. Nguyên nhân có thể bạn đã mắc sai lầm trong việc sấy chè, bảo quản sau ướp.

Cụ thể, trong khi ướp hoa, chè bị hấp phụ một lượng nước từ hoa vì thế, sau khi ướp xong, bạn phải nhặt hết hoa và đem sấy (sao), khi sấy phải đảo đều tay để chè không bị cháy, sấy đến khi chè còn khoảng 13% nước (chè khô) thì cho ra ngoài để nguội rồi cho vào lọ sành, lọ thủy tinh.

Chè ướp hương quy mô công nghiệp bao gói trong hộp/túi hút chân không có thể bảo quản trong một năm. Tuy nhiên, chè ướp thủ công tại nhà thì chỉ nên dùng tối đa trong 6 tháng.

T.Hà