Đời sống

Lao động làm nên cảm hứng để sống vui sống khỏe

Lao động làm nên cảm hứng, đó là chia sẻ của ô

Ông Âu Duy Tế bên vườn hồng.

Làm vườn, chẳng cần tập thể dục

Lúc chỉ đường cho tôi, ông Âu Duy Tế đã nói nhà ông ở khu Kim Quan (Long Biên, Hà Nội), rất khó tìm, nhưng đến đó cứ hỏi ông Tế thì ai cũng biết.

Quả thật, làng Kim Quan nay đã lên thành phố Kim Quan Thượng, là khu khá đông dân cư, nhà cửa san sát. Nhưng lối sống vẫn gần gũi, gắn bó, quen biết nhau, ra đường gặp là chào hỏi.

Ngôi nhà của ông Tế nằm trong con ngõ nhỏ, lối đi khá ngoằn ngoèo. Nhưng vào đến nơi là một không gian thoáng rộng, ngôi nhà khang trang mà anh con trai cả của ông bà mới xây rất đẹp, cái sân lát gạch đỏ khá rộng, góc sân là cây bưởi đang nở đầy hoa, hương thơm ngát.

Mê nhất là vườn hồng, cùng một giống hồng hoa màu hồng tươi, cây cao hơn đầu người, hoa sai, nở rực cả một góc vườn. Chỉ cần ngắm vườn hồng này là có cảm giác mọi lo toan, mệt mỏi, bực bội đều tan biến cả.

Dẫn tôi đi thăm vườn, ông kể, có khu vườn này chẳng cần phải tập thể dục gì cả. Sáng nào cũng ra tưới cây, trồng rau, cuốc, xới là khỏe người.

Sân và vườn trên thì trồng hoa. Vườn dưới, là khu đất đã chia cho anh con trai thứ hai nhưng gia đình anh chưa về ở, nên ông trồng rau, trồng chuối. Những luống rau xanh mướt, tía tô, kinh giới tốt um, chỉ ngắm thôi đã thấy vui mắt.

Không những thế, ngày nào cũng được hít thở không khí trong lành thế này người cũng khỏe hơn. Lao động không chỉ khiến cho con người ta vui khỏe, trẻ lâu, mà còn là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác thơ.

Trong thơ ông luôn có bóng dáng của cây bưởi góc sân, của đào, mai, lan, cúc, hồng… trong vườn, có người vợ suốt đời vất vả lo cho gia đình, là con cháu thảo hiền, là quê hương, bè bạn…

Có lẽ vì sống trong không gian đẹp như chốn bồng lai ấy mà ông Tế rất hay cười, nụ cười tươi, sảng khoái, dễ lây niềm vui sang người khác.

Lao động mới hiểu được vợ đã vất vả thế nào

Sinh ra, lớn lên ở đây, từ năm 1970 đến năm 1999 ông dạy toán tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, có thể nói cả đời ông gắn bó với mảnh đất này.

Ông bảo, thấy mình may mắn vì được dạy học những thế hệ học sinh rất tình nghĩa, tình cảm thầy trò hơn 40 năm vẫn rất gắn bó.

Với ông bây giờ, điều hạnh phúc nhất là vợ chồng già vẫn còn được khỏe mạnh bên nhau. Còn điều ông tự hào là hai ông bà đã cùng nhau dạy dỗ chu đáo bốn người con nên người, lo dựng vợ gả chồng yên ấm, các cháu ngoan ngoãn.

Bởi vì với mỗi người, gia đình luôn là quan trọng nhất. Dù anh có công thành danh toại đến đâu mà gia đình không ra gì thì cũng không thể sung sướng được.

Nhà thì rộng, các con ở bên trung tâm thành phố, có con gái ở gần đây nhưng cũng bận, suốt ngày chỉ có hai ông bà già. Mọi việc trong nhà từ quét dọn, cơm nước, vườn tược… ông bà đều tự làm hết. Chỉ cuối tuần con cháu mới về tụ tập đông vui.

Ông bảo, suốt đời ông biết ơn bà đã vất vả lo cho gia đình, cho con cái những khi ông bận công tác. Thế nên, từ khi còn trẻ cho đến giờ, làm được việc gì đỡ cho bà là ông đều cố gắng làm.

Như ông chia sẻ, có lao động mới hiểu hết ý nghĩa cuộc sống, mới hiểu được vợ mình đã vất vả đến thế nào.

Thật cảm động vì cái tình cảm ông dành cho bà. Có khách đến, ông đạp xe đi gọi bà về, để cùng ngồi chuyện trò. Kể đến đoạn nào tâm đắc, ông lại âu yếm hỏi: Đúng thế, bà nhỉ?

Vì bên gia đình bà không có con trai, ông đã cùng bà gánh vác việc chung, xây mộ cho hai bên nội ngoại khang trang như nhau. Đó có lẽ cũng là điều ông tâm đắc, sống trọn nghĩa vẹn tình để gia đình yên ấm, để con cháu nhìn vào mà làm noi theo.

Bảo Anh