Tư vấn

Không để nắng chiếu thẳng vào bàn học

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Trong gia đình, đa phần bàn học của trẻ được kê ngay chính giữa cửa sổ, nơi có nắng trực tiếp chiếu vào.

Trong gia đình, đa phần bàn học của trẻ được kê ngay chính giữa cửa sổ, nơi có nắng trực tiếp chiếu vào. Đặt bàn học như vậy, trẻ sẽ dễ nhức mỏi mắt, khó chịu, tập trung kém.

TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa, điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng: Ánh sáng chuẩn cho nơi ngồi học phải đạt được độ rọi sáng từ 300- 500 lux (đơn vị cường độ ánh sáng) và tốt nhất là người ngồi học không được nhìn thấy bóng đèn để hạn chế khả năng gây lóa, chói mắt. Góc học tập chỉ nên dùng ánh sáng phản xạ, chứ không nên tận dụng ánh sáng trực tiếp vì cường độ ánh sáng mặt trời, dù là vào ngày mưa, trời u ám, thì độ rọi sáng tự nhiên cũng vẫn ở mức vài nghìn lux, thậm chí có thể lên trên 10.000 lux, quá chói đối với hoạt động học tập của mắt người.

Hơn nữa, phổ nhạy cảm của mắt người giữa sáng và tối khác nhau, ánh sáng tự nhiên không ổn định (khi có mây, hoặc không mây, hay khi có nắng,...) sẽ khiến mắt phải dao động, thay đổi phổ nhạy cảm. Tốt nhất là kê bàn học nơi có ánh sáng nhưng không phải là ánh sáng trực tiếp chiếu vào mà là ánh sáng đã được khúc xạ. Loại ánh sáng tự nhiên dưới bóng cây hay ánh sáng đã được khúc xạ qua các lớp tường, kính… là ánh sáng tốt nhất cho mắt, tốt hơn cả các loại ánh sáng từ đèn học, kể cả loại đèn hiện đại nhất.

Khi học bài buổi tối, nên chọn cho trẻ loại bóng đèn led để bàn, có độ rọi sáng ổn định, tiết kiệm điện và có hiệu suất năng lượng cao. Không nên lạm dụng các loại đèn chống cận, chống lóa, chống mỏi mắt… mà chỉ cần chọn đúng loại đèn led là ổn. Trường hợp trẻ học bài ban ngày, ánh nắng chiếu vào bàn học thì nên có rèm che chắn để khuếch đại ánh sáng. Cũng không nên đặt bàn học của trẻ ở nơi quá tối như góc phòng hay trong phòng ngủ.

Bảo Khánh