Tư vấn

Dùng hoạt chất sinh học bón cây

  • Tác giả : Đăng Khoa (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Tôi muốn dùng các hoạt chất sinh học như chitosan hay axit amin từ các nguồn phế thải để canh tác nông nghiệp thì phải làm thế nào?

Hỏi: Tôi muốn dùng các hoạt chất sinh học như chitosan hay axit amin từ các nguồn phế thải để canh tác nông nghiệp thì phải làm thế nào?

Nguyễn Đức Lâm (Hà Giang)

TS Lâm Văn Hà, Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa): Các hoạt chất sinh học chitosan và axit amin được chiết xuất từ các nguồn phế thải trong nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, đồng thời hạn chế tối đa việc thải loại các phế phụ phẩm ra môi trường. Chitosan với đặc tính kháng nấm, kháng khuẩn và sâu hại sẽ bảo vệ cây trồng khỏi bị dịch hại tấn công. Axit amin là đạm sinh học, cung cấp dinh dưỡng nhanh cho cây trồng qua hệ thống rễ hoặc lá. Nhờ đó, cây trồng sẽ sinh trưởng và phát triển mạnh. Axit amin cũng có thể giúp cho cây chống chịu được sự xâm nhiễm mặn, tăng năng suất, giảm bệnh do tuyến trùng hoặc virus gây ra.

Nano chitosan - amin có tác dụng giúp cây trồng cân đối dưỡng chất, tăng hệ thống miễn dịch và trao đổi chất nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng với các điều kiện bất lợi của môi trường. Chống chịu bệnh do virus, vi khuẩn, nấm và côn trùng gây hại. Cung cấp chất dinh dưỡng (axit amin) là đạm sinh học giúp cây hấp thụ nhanh, chuyển hóa tốt, không để lại tồn dư nitrat. Giải độc cho đất, kích thích hệ rễ cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Với tỷ lệ pha 1/600 (tương đương với 1,7ml/lít nước) nano chitosan - amin cho năng suất rau mồng tơi tăng 15% so với phân bón lá thông thường. Với tỷ lệ pha 1/400, nano chitosan - amin cho năng suất hồ tiêu tăng 13,5% so với phân bón lá thông thường, ngoài ra cây xanh tốt không bị nấm hại. 

Đăng Khoa (ghi)