Dinh dưỡng

Công thức làm mắm tôm chua Huế thơm ngon, ăn là nghiền

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Mắm tôm chua ngọt là một đặc sản của xứ Huế được rất nhiều người yêu thích bởi hương vị đặc trưng của mắm. 

Chỉ một vài bước đơn giản, bạn có thể nhanh chóng thưởng thức món ăn dân dã này mà chẳng cần tới Huế.

Mắm tôm chua Huế chua mặn, ngọt, đậm đà ăn là nghiền

Mắm tôm chua Huế chua mặn, ngọt, đậm đà ăn là nghiền

Nguyên liệu làm mắm tôm chua ngọt Huế: 500g tôm đất hoặc tôm thẻ, 1 chén cơm nguội xay, 1 củ tỏi, 1 củ riềng, 10 trái ớt

Gia vị: Nước mắm nguyên chất, rượu trắng 40 độ, đường, mật ong

Dụng cụ: Nồi, dao, thớt, hũ nhựa

Cách làm mắm tôm chua ngọt Huế

Bước 1 Sơ chế nguyên liệu

Tôm tươi mua về dùng kéo cắt đầu, rút chỉ đen sống lưng, nặn sạch phân rồi rửa sạch lại với nước và để ráo. Sau đó, bạn cho tôm ngâm trong rượu trắng 1 tiếng rồi vớt ra phơi nắng khoảng 3 tiếng cho ráo.

Ớt thì bạn rửa sạch với nước, lặt bỏ cuống và để ráo.

Củ riềng bạn gọt vỏ rồi rửa sạch, tỏi bóc vỏ toàn bộ. Sau đó bạn dùng 1/2 phần tỏi để cắt lát, 1/2 phần riềng cắt sợi, sau đó đem đi phơi nắng 30 phút. Phần riềng và tỏi còn lại giữ nguyên thì bạn cho vào cối giã nhuyễn với 5 trái ớt.

Lưu ý

Cách khử mùi tanh của tôm, ngoài cách ngâm rượu trên bạn có thể hòa một ít muối vào nước, dùng nước muối rửa sạch tôm sẽ giúp tôm có độ giòn ngon.

Khi lấy chỉ tôm, để dễ dàng thì bạn hãy dùng tăm tre nhọn móc chỉ tôm ra nhẹ nhàng để tránh làm đứt.

Bước 2: Nấu nước mắm

Bạn cho vào nồi 2 chén nước mắm, 2 chén đường rồi đun ở mức lửa nhỏ, cho đến khi đường tan hết rồi bạn tắt bếp để cho nước mắm nguội.

Bước 3: Ướp tôm

Bạn cho tất cả tôm vào tô cùng với tỏi, riềng, ớt giã nhuyễn với 1 chén mật ong và tỏi, riềng, ớt phơi khô ráo.

Sau đó thêm 1 chén cơm nguội xay, nước mắm đường đã nấu và trộn đều.

Bước 4: Ngâm tôm

Cho phần tôm đã trộn đều gia vị bên trên vào một hũ nhựa hay hũ thủy tinh sạch rồi đổ nước ngâm vào sao cho xâm xấp mặt tôm.

Sau đó, bạn dùng vỉ nén chặt tôm rồi đậy nắp kín lại. Kế tiếp, bạn để hũ tôm đi phơi ngoài nắng trong 5 – 7 ngày cho đến khi bạn thấy tôm chuyển sang màu đỏ thì lúc đó tôm đã chín.

Ngoài ra, nếu như bạn làm mắm vào những ngày không có nắng thì bạn có thể để hũ mắm tôm gần bếp trong 10-15 ngày.

Khi tôm đã chín, để mắm được ngon hơn, bạn nên cho thêm đu đủ bào sợi vào hũ rồi trộn đều và cho thêm một ít đường để tạo vị ngọt dễ ăn hơn. Sau đó, bạn ngâm mắm thêm 2 ngày nữa để đu đủ được thấm gia vị.

Mắm tôm có màu đỏ tự nhiên khá bắt mắt và nhìn rất ngon, mùi thơm đặc trưng của mắm cùng với tôm vẫn giữ được vị ngọt và dai của thịt, đu đủ nhai giòn sựt sựt thật tuyệt.

Lưu ý khi làm tôm chua Huế

Khi làm mắm tôm chua Huế, bạn cần đóng kín hũ đựng để tránh không khí lọt vào làm mắm tôm bị hỏng, khó lên men. Nên để ở nhiệt độ phòng bình thường, hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh để sử dụng lâu từ 6-12 tháng.

Khi lấy mắm tôm chua cũng nên dùng muỗng, đũa sạch để tránh làm hũ mắm tôm chua mau hư. Khi hũ mắm tôm chua có dấu hiệu đổi màu, bốc mùi và có váng ở trên thì bạn không nên dùng tiếp.

Giang Thu (T/H)