Y học và đời sống

Bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người đái tháo đường

  • Tác giả : ThS.BSNT. Nguyễn Thị Kim Hoàn
Hạ đường huyết là một trong những biến chứng cấp tính, thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường nếu không xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, thậm chí tử vong.

Hạ glucose huyết (hay hạ đường huyết) là một trong những biến chứng cấp tính, thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường nếu không xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, thậm chí tử vong.

Vậy làm thể nào để nhận biết, xử trí cơn hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và cách phòng ngừa biến chứng này như thế nào?

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết (HĐH) được định nghĩa là tất cả các đợt nồng độ glucose huyết tương thấp bất thường khiến bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng nguy hại (Nhóm công tác về HĐH, Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ - ADA 2005).

Theo định nghĩa này 2 yếu tố để xác định HĐH là mức glucose máu thấp và những nguy hại mà mức glucose máu thấp gây ra. Nồng độ đường máu < 3.9 mmol/L được khuyến cáo là mốc quan trọng cần được quan tâm với những bệnh nhân đái tháo đường.

Hạ đường huyết thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và thậm chí dù không có triệu chứng cũng gây ra khiếm khuyết về đáp ứng điều hòa glucose đối kháng và suy giảm nhận biết hạ đường huyết và hậu quả là tăng nguy cơ hạ đường huyết nặng về sau đó.

Hầu hết các trường hợp HĐH ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) là do điều trị, tuy bệnh nhân đái tháo đường cũng có thể bị HĐH do các nguyên nhân khác như một số thuốc (không phải thuốc giảm glucose máu), rượu, suy thận, suy gan, suy thượng thận, nhiễm trùng máu,… Bài viết này chỉ đề cập đến HĐH do điều trị trên bệnh nhân đái tháo đường.

Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh và một số yếu tố nguy cơ của hạ đường huyết

Hạ đường huyết trên bệnh nhân ĐTĐ là kết quả của sự tương tác giữa thừa insulin tuyệt đối hoặc tương đối và sự tổn thương các cơ chế bảo vệ sinh lý và hành vi chống lại sự hạ thấp nồng độ glucose máu.

Ở bệnh nhân đái tháo đường thường có khiếm khuyết các cơ chế sinh lý điều hòa glucose đối kháng (glucose counterregulation) chống lại hạ đường huyết như ngừng tiết insulin, tăng tiết glucagon và tăng tiết các cathecholamin (đáp ứng giao cảm - thượng thận).

Đáp ứng giao cảm - thượng thận với HĐH cũng thường bị suy giảm ở bệnh nhân ĐTĐ, xảy ra sau cơn HĐH trước đó, luyện tập hoặc khi ngủ. Hậu quả là giảm hoặc mất các triệu chứng thần kinh giao cảm cảnh báo giúp bệnh nhân nhận biết HĐH và ăn uống để làm tăng glucose máu - tức là mất cơ chế hành vi chống lại HĐH, hay còn gọi là tình trạng suy giảm nhận biết HĐH

Những bệnh nhân ĐTĐ típ 1 và ĐTĐ típ 2 có giảm bài tiết insulin nặng sẽ bị mất cơ chế ngừng bài tiết insulin (insulin trong máu là ngoại sinh, hấp thụ insulin từ chỗ tiêm vào máu không đáp ứng với khi glucose máu hạ thấp) và kèm theo là mất cơ chế tăng bài tiết glucagon.

Điều trị bằng các thuốc sulfonylurea và insulin trên người bệnh đái tháo đường làm tăng insulin máu kể cả khi nồng độ glucose máu bình thường hoặc thấp dưới mức bình thường - nguyên nhân gây thừa insulin. Các thuốc này, đặc biệt là insulin là các nguyên nhân gây HĐH thường gặp nhất ở người bệnh ĐTĐ.

Các yếu tố nguy cơ của HĐH liên quan đến tăng insulin máu (tuyệt đối hoặc tương đối) do điều trị bao gồm:

- Dùng quá liều, sai thời điểm, sai loại các thuốc insulin, sulfonylurea.

- Giảm cung cấp glucose ngoại sinh (bỏ bữa ăn, ăn ít carbohydrat).

- Giảm sản xuất glucose nội sinh (uống rượu, suy gan, suy thận).

- Tăng sử dụng glucose (trong và ngay sau luyện tập)

- Tăng nhạy cảm insulin (khoảng thời gian giữa đêm, giai đoạn muộn sau luyện tập, sau giảm cân)

- Giảm thanh thải insulin (suy thận, suy gan, suy giáp, kháng thể kháng insulin).

Các yếu tố nguy cơ của HĐH liên quan đến tổn thương, suy giảm cơ chế bảo vệ chống lại HĐH:

Thiếu insulin nội sinh tuyệt đối (ĐTĐ típ 1) hoặc thiếu nặng (ĐTĐ típ 2 lâu năm): mất cơ chế ngừng bài tiết insulin và kèm theo là mất cơ chế tăng bài tiết glucagon.

Tiền sử HĐH nặng, suy giảm nhận biết HĐH

Kiểm soát đường huyết tích cực (HbA1c thấp).

Một số yếu tố nguy cơ khác: Tuổi cao, trẻ em, phụ nữ mang thai mắc ĐTĐ típ 1 ở 3 tháng thai đầu, thời gian mắc ĐTĐ dài, dao động glucose máu nhiều, suy tim, nhiễm trùng máu, suy giảm nhận thức - sa sút trí tuệ.

-Sử dụng insulin quá mức cần thiết ở người bệnh đái tháo đường làm hạ đường huyết đột ngột.

Hạ đường huyết có thể dẫn đến hôn mê, co giật và tử vong nên cần nhận biết để cấp cứu kịp thời.

ThS.BSNT. Nguyễn Thị Kim Hoàn (Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

ThS.BSNT. Nguyễn Thị Kim Hoàn