Thời sự

Uống rượu ngâm củ ấu tẩu, 4 người nhập viện cấp cứu

  • Tác giả : Thúy Nga
Củ ấu tẩu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc. Ngộ độc củ ấu tẩu dễ gây suy hô hấp và rối loạn nhịp tim gây tử vong.

Chiều 28/3, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ cho biết vừa tiếp nhận 4 bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tầu.

4 bệnh nhân (có địa chỉ tại Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng vã mồ hôi, tức ngực, nôn, tê bì chân tay, tê bì môi, lưỡi, vật vã, huyết áp tụt, da tái nhợt,…

Qua khai thác thông tin từ gia đình: 4 bệnh nhân ăn cơm trong bữa trưa có uống rượu ngâm củ ấu tẩu, sau khi uống, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy nóng mặt, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội, đau bụng, tức ngực, khó thở nên được người nhà đưa đi cấp cứu.

Theo BSCKI Nguyễn Thị Xuân Thuỷ - Phó trưởng khoa HSCC ngay sau khi tiếp nhận, kíp trực cấp cứu đã lập tức cấp cứu theo phác đồ phản vệ, tiêm ½ ống Adrenalin, bù dịch, kiểm soát nhịp tim,… Sau khi cấp cứu, hồi sức tích cực, cả 4 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân sau đó được chuyển khoa HSCC tiếp tục điều trị.

Uống rượu ngâm củ ấu tẩu, 4 người nhập viện cấp cứu ảnh 1

Uống rượu ngâm củ ấu tẩu, 4 người nhập viện cấp cứu

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: củ ấu tẩu (hay còn gọi là củ ấu tàu) là rễ củ của cây Ô đầu, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc.

Trong trường hợp uống rượu ngâm củ ấu tẩu hoặc bệnh nhân tự ý dùng thuốc có chứa aconitin… aconitin ngấm rất nhanh qua da và niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu. Từ đó gây nên các triệu chứng: đầu tiên là các rối loạn cảm giác tại chỗ, cảm giác kiến bò ở lưỡi rồi mất hết cảm giác dẫn tới tê môi, lưỡi, họng và mặt.

Rối loạn hô hấp: khó thở, nhịp thở chậm, tình trạng tăng tiết gây ứ đọng khí phế quản, ngừng thở. Rối loạn nhịp tim là triệu chứng hay gặp và thường nặng, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách.

Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu ấu tẩu, người nhà cần xử trí cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân bằng cách gây nôn ngay, sau đó nhanh chóng đưa tới bệnh viện (nơi có khả năng cấp cứu, chống độc hoặc trung tâm chống độc) để xử trí kịp thời điều trị.

Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà tự theo dõi và điều trị, bệnh nhân có thể tử vong nhanh do suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim.

Bên cạnh đó, củ ấu tẩu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.

“Người dân không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố, không được uống rượu ngâm củ ấu tàu vì dễ bị ngộ độc dẫn đến nguy cơ tử vong. Các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng” - BSCKI Nguyễn Thị Xuân Thuỷ khuyến cáo.

Thúy Nga