Thời sự

Uống rượu ngâm lá ngón, 3 người tử vong: Cách nhận biết, tránh ngộ độc

  • Tác giả : Thúy Nga
Ba người đàn ông tại huyện Sơn Động (Bắc Giang) tử vong do uống rượu ngâm cây lá ngón. Lá ngón thuộc cây độc bảng A dễ nhầm với nhiều cây thuốc khác nên cần nhận biết và xử lý kịp thời.

Chất alkaloid trong lá ngón là nguyên nhân khiến 3 người tử vong

Công an huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho biết, Viện khoa học Hình sự Bộ công an vừa đưa ra kết luận về 3 người tử vong sau uống rượu trên địa bàn.

Theo đó, tối ngày 6/3, ông Nông Văn U (SN 1963) ở huyện Sơn Động ăn cơm cùng con cháu tại nhà và có uống một cốc rượu ngâm. Sau đó ông U đi ngủ và khoảng 7h sáng 7/3, con gái ông U phát hiện bố mình tử vong trên giường.

Khi gia đình tổ chức tang lễ, nhiều khách đến thăm hỏi, chia buồn. Khi đó, trên bàn uống nước của gia đình có để sẵn ấm rượu ông U uống từ hôm trước.

Các ông Hoàng Văn Th (SN 1938) và ông Nông Văn N (SN 1960) ở cùng địa phương mỗi người uống vài chén, sau đó ông Th có biểu hiện lạ và tử vong ngay tại chỗ. Trong khi đó, ông N bị hôn mê được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động. Sau hơn mười ngày điều trị, ngày 19/3, ông N cũng không qua khỏi.

Công an huyện Bắc giang đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện khoa học Hình sự Bộ công an. Kết luận của Viện cho thấy, trong máu, nước tiểu, phủ tạng, dạ dày và chất chứa trong dạ dày của cả 3 nạn nhân gửi giám định có tìm thấy ethanol (cồn) và các alkaloid (gelsemine, koumine, gelsenicine) của cây lá ngón. Trong đó, chất alkaloid trong lá ngón là nguyên nhân khiến 3 người tử vong.

Cây lá ngón

Cây lá ngón

Theo BS Dương Ngọc Lâm, khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Chất độc có trong lá ngón hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện chỉ từ 5 – 30 phút sau khi ăn, biểu hiện là đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, sụp mi, giãn đồng tử, khô miệng, khó nói, khó nuốt, khít hàm, yếu liệt, khó thở, liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở, làm rối loạn nhịp tim ảnh hưởng chức năng tuần hoàn, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này. Xử trí ngộ độc lá ngón chủ yếu là các biện pháp điều trị hồi sức, trong đó quan trọng là thực hiện càng sớm càng tốt việc hạn chế hấp thu độc tố bằng rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt, truyền dịch, đảm bảo chức năng sống ổn định, kiểm soát tốt các chức năng hô hấp, tuần hoàn, xử lý các rối loạn nhịp tim, trong khi chờ độc tố được đào thải.

Nhiều cây thuốc, rau ăn giống lá ngón

Các bác sĩ cho biết, cây lá ngón thuộc họ cây leo, lá nhỏ (hình như lá trầu không nhưng mỏng), hoa màu vàng. Chất độc chết người trong lá ngón là Alkaloid, tác động mạnh mẽ lên hệ thần kinh trung ương gây co giật, liệt cơ, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, có thể gây chết người trong thời gian ngắn.

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận không ít vụ ngộ độc do lá ngón, thường xảy ra ở các khu vực vùng núi phía bắc, nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc ít người. Tỷ lệ cứu sống thường thấp bởi hầu hết bệnh nhân ngộ độc thường phát hiện muộn, khi đó chất độc trong cây lá ngón đã gây tổn thương trầm trọng các cơ quan.

Một số thực vật dễ nhầm lẫn với cây lá ngón (Nguồn Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia)

Một số thực vật dễ nhầm lẫn với cây lá ngón (Nguồn Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia)

Lá ngón là một trong 4 loại cây có độc tính cao nhất, rất giống nhiều cây thuốc, rau ăn được nên dễ gây nhầm lẫn.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần cẩn trọng khi hái các loại cây rừng làm thuốc hoặc dùng làm thực phẩm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Khi phát hiện người bị ngộ độc lá ngón, cần xử trí sớm, tích cực, khẩn trương. Nếu người bệnh còn tỉnh cần sử dụng các biện pháp gây nôn ngay lập tức để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu và điều trị kịp thời.

Thúy Nga