Y học và đời sống

Tưởng bổ máu, nào ngờ tiết canh mang mầm truyền bệnh

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
“Ăn gì bổ nấy” là nếp nghĩ đã lâu đời của đa số người Việt chúng ta. Vì vậy nhiều người nghĩ rằng ăn tiết canh, vì tiết canh được làm từ máu sẽ được bổ máu.
Tưởng bổ máu, nào ngờ tiết canh mang mầm truyền bệnh. Ảnh minh họa

Tưởng bổ máu, nào ngờ tiết canh mang mầm truyền bệnh. Ảnh minh họa

Thành phần của máu

Để biết ăn tiết canh có bổ máu hay không, điều chúng ta cần biết là thành phần của máu.

Máu gồm hai phần. Một là, huyết cầu chiếm 45% thể tích máu, trong đó hồng cầu 96%, bạch cầu 3% và tiểu cầu 1%. Trong hồng cầu có chứa huyết cầu tố (hemoglobin, Hb) là thành phần quan trọng nhất đảm trách nhiệm vụ đưa dưỡng khí (oxy) đến mọi cơ quan và mang thán khí (carbonic) từ các cơ quan về phổi để thải loại ra ngoài. Thiếu máu theo định nghĩa y học là thiếu hồng cầu, cụ thể là thiếu huyết cầu tố.

Hai là, huyết tương (phần dịch lỏng) chiếm 55% thể tích máu. Chức năng của huyết tương là vận chuyển các huyết cầu, chất dinh dưỡng, các hormon, vitamin, chất đông máu... đi khắp cơ thể.

Muốn tạo thêm hồng cầu mới, tạo máu, cơ thể cần phải có chất đạm, cụ thể là các axit amin để tổng hợp ra phân tử globin của huyết cầu tố; chất sắt (Fe++) để sinh tổng hợp nhân heme; các vitamin B12, B6 và axit folic; hai yếu tố vi lượng nikel, cobalt và một hormon đặc biệt là EPO (erythropoietin), nồng độ hormon EPO này tăng giảm theo hàm lượng oxy của cơ thể, càng thiếu oxy cơ thể càng sản sinh nhiều EPO. Trong khi các yếu tố khác đều là “ngoại sinh”, do ăn uống đưa vào, chất EPO được tổng hợp “nội sinh” từ thận.

Ăn tiết canh có bổ máu?

Về lý thuyết hồng cầu có thể sống khoảng 120 ngày và khi chế nhân heme của huyết cầu tố được phóng thích, thoái hóa nhiều giai đoạn và sản phẩm chính là chất bilirubin. Bilirubin này theo máu về gan rồi và thải qua đường mật theo phân ra ngoài. Vì vậy bệnh nhân bị bệnh gan sẽ có da màu vàng sậm vì vỡ hồng cầu và chất bilirubin sản sinh quá nhiều và không thải ra đường gan mật hết được.

Tiết canh được làm từ máu sống. Như vậy máu chín hay máu sống khi được đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa chỉ có thành phần globin là chất đạm sẽ được chuyển hóa ra axit amin. Cơ thể chúng ta sẽ hấp thu và sử dụng được còn thành phần heme hoàn toàn bị thải ra ngoài dưới các dạng chất đã thoái hóa. Vì vậy những chất đó không hề được sử dụng lại như suy nghĩ thông thường của nhiều người là ăn gì bổ nấy.

Như vậy có thể thấy người ăn tiết canh, cháo huyết khi đào thải ra ngoài phân sẽ có màu đen vì chứa những sản phẩm thoái hóa của nhân heme của huyết cầu tố đó đang được bài xuất.

Tác hại của ăn tiết canh

Món tiết canh mà mọi người cho rằng ăn bổ máu thì thực chất không phải như vậy đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Bởi vì tiết canh là máu sống có thể mang nhiều mầm bệnh. Có thể sẽ có nhiều mầm bệnh từ ký sinh trùng như giun sán đến vi trùng và cả siêu vi trùng nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Đối với bệnh sán dây lợn bắt đầu khi trứng sán dây lợn vào ruột nở thành ấu trùng và ấu trùng sán theo hệ bạch mạch tìm đến ký sinh ở bắp cơ và cơ quan khác tạo thành nang sán. Khi lợn bị mắc phải ấu trùng sán được gọi là lợn gạo thì khi người ăn phải kén sán vào dạ dày. Ở môi trường đó, dịch vị giúp ấu trùng thoát khỏi vỏ kén và sẽ phát triển thành sán trưởng thành.

Đặc biệt là bệnh viêm màng não do liên cầu streptococcus suis ở lợn rồi lây truyền sang người. Liên cầu lợn còn có ở nhiều động vật như ngựa, chó, bò, mèo, chim chóc… Khi ký sinh trên động vật streptococcus suis cư trú trong đường hô hấp trên, tiết niệu, tiêu hóa, sinh dục… Chúng sẽ tồn tại rất lâu trong môi trường phân, nước, rác.

Giang Thu (T/H)