Y học và đời sống

Lưu ý bệnh tuyến giáp ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh

  • Tác giả : TS.BS Nguyễn Quang Bảy
Phụ nữ mãn kinh phải kiểm tra cẩn thận xem có các rối loạn liên quan đến mãn kinh hoặc bệnh tuyến giáp không và điều trị chúng nếu phát hiện.

Hỏi: Tôi cảm thấy triệu chứng ở phụ nữ mãn kinh và bệnh lý tuyến giáp tương đối giống nhau. Các bác sĩ cũng khuyến cáo ở thời kỳ này phụ nữ dễ bị bệnh tuyến giáp. Xin hỏi, cần làm gì ở giai đoạn này?

Nguyễn Thị Phượng (Hà Nội)

Hội mãn kinh và mãn dục châu Âu (EMAS) đã đưa ra Hướng dẫn về bệnh tuyến giáp

Hội mãn kinh và mãn dục châu Âu (EMAS) đã đưa ra Hướng dẫn về bệnh tuyến giáp

Trả lời: Mới đây, hội mãn kinh và mãn dục châu Âu (EMAS) đã đưa ra Hướng dẫn về bệnh tuyến giáp ở phụ nữ mãn kinh, nhấn mạnh: "Tất cả các bác sĩ lâm sàng phải kiểm tra cẩn thận xem có các rối loạn liên quan đến mãn kinh hoặc bệnh tuyến giáp không và điều trị chúng nếu phát hiện.

Các quyết định lâm sàng về điều trị cả hai tình trạng này cần được đưa ra một cách thận trọng và chú ý đến các đặc điểm cụ thể của nhóm tuổi này, áp dụng một phác đồ cá nhân hóa và cách tiếp cận kiên nhẫn". Những điểm đáng chú ý trong Hướng dẫn này là:

1. Các thầy thuốc cần lưu ý về khả năng chồng chéo các triệu chứng mãn kinh và rối loạn chức năng tuyến giáp, bao gồm kinh nguyệt không đều, rối loạn tâm lý, tăng tiết mồ hôi, rối loạn giấc ngủ và rụng tóc (xem hình).

2. Bệnh tuyến giáp xảy ra ở 30-40% các phụ nữ bị suy buồng trứng sớm, chủ yếu là bệnh tuyến giáp tự miễn.

3. Việc sử dụng biotin có trong một số mỹ phẩm, có thể dẫn đến sai lệch kết quả xét nghiệm miễn dịch chức năng tuyến giáp. Các bác sĩ nên đánh giá cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn mà phụ nữ đang dùng, đồng thời khuyên những người sử dụng sản phẩm biotin ngừng dùng từ 2-3 ngày trước khi xét nghiệm hormon tuyến giáp.

4. Những phụ nữ mãn kinh do phẫu thuật, có kinh sớm và mãn kinh muộn nên được kiểm tra xem có nhân tuyến giáp không? nếu có thì nên theo dõi theo hướng dẫn chung cho cộng đồng.

5. Ung thư tuyến giáp thể nhú ở phụ nữ sau mãn kinh có tiên lượng tồi hơn so với phụ nữ chưa mãn kinh.

6. Cần xét nghiệm lipid máu ở những phụ nữ mãn kinh và những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp.

7. Tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) tăng ở phụ nữ mãn kinh (60,2%).

8. Liệu pháp hormon thay thế mãn kinh (MHT) là an toàn để điều trị cho phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh và bệnh lý tuyến giáp.

9. Điều trị bổ sung Levothyroxine và liệu pháp hormone thay thế mãn kinh có thể cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

10. Những phụ nữ lớn tuổi bị suy giáp nên được điều trị Levothyroxine liều thấp, từ 25-50 mcg/ngày

11. Trong thời kỳ mãn kinh, bệnh tuyến giáp không được điều trị hoặc được điều trị quá mức đều có thể gây ra tác dụng phụ (đặc biệt là bệnh tim mạch và loãng xương).

12. Điều trị liệu pháp hormon thay thế ngăn ngừa gãy xương và không có bằng chứng về liệu pháp hormon thay thế mãn kinh gây bất lợi đối với nguy cơ ung thư tuyến giáp ở phụ nữ mãn kinh.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

TS.BS Nguyễn Quang Bảy