Dinh dưỡng học đường

Tuổi học trò và xu hướng sử dụng thức ăn nhanh

  • Tác giả : BS. Tiến Văn
(khoahocdoisong.vn) - Con người cần phải ăn để sống, để phát triển, để làm việc và để duy trì cuộc sống. Nhưng ăn uống như thế nào để cơ thể phát triển khỏe mạnh và phòng những bệnh có liên quan đến dinh dưỡng?

Ngày nay, do tốc độ phát triển rất nhanh ở nhiều lĩnh vực đã tạo nên sức ép không nhỏ về việc làm, nhiều người dành rất ít thời gian cho bữa ăn gia đình, vì thế thức ăn nhanh được người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Theo xu hướng chung, các nước đang phát triển như chúng ta cũng bị cuốn theo guồng quay công nghiệp. Về dinh dưỡng, việc sử dụng thức ăn nhanh đang trở nên phổ biến. Ở các nước phát triển, với sức ép của thời gian, của công việc, người ta sử dụng nhiều thức ăn nhanh. Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn được dùng cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, thậm chí cho cả trẻ em, họ có những sản phẩm được quy định rõ ràng cho từng độ tuổi. Thực phẩm được ghi nhãn mác rất rõ ràng về thành phần dinh dưỡng, được dùng cho đối tượng nào, nơi sản xuất và hạn sử dụng.  Đồng thời, ở các nước phát triển, người dân hoạt động thể lực nhiều, thường xuyên đi bộ, chơi thể thao, đi du lịch, để hạn chế tình trạng béo phì. Mặc dù vậy, nhưng tình trạng béo phì của những nước này cũng rất cao và đó là hệ quả tất yếu của sử dụng dinh dưỡng công nghiệp.

Tại Việt Nam, các bệnh mãn tính không lây đang có xu hướng gia tăng như béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, các bệnh rối loạn chuyển hoá…Một số người, trong đó có cả học sinh đang có xu hướng thay đổi từ thói quen văn hoá cơm cặp lồng (cơm nhà), cơm bụi sang bữa ăn nhanh (Fast food).

Nói đến “ ăn nhanh” tức là ăn tranh thủ, ăn qua loa, để tranh thủ thời gian thì bữa ăn làm sao có được cảm giác về hương vị, mùi vị và thú vị để thưởng thức như “giá trị” đích thực của thực phẩm mang lại. Mặc dù vậy, giới trẻ hiện nay (thanh niên, học sinh) thậm chí một số người lớn tuổi đang có xu hướng sử dụng nhiều thức ăn nhanh.

 Các món thức ăn nhanh mà người ta đang sử dụng một cách đơn thuần thường thiếu và thừa một số chất dinh dưỡng. Mỗi sản phẩm của thức ăn nhanh cần được hướng dẫn một cách rõ ràng, tỉ mỉ, cụ thể với từng lứa tuổi, từng tình trạng cơ thể và thể loại bệnh cho người sử dụng, tránh tình trạng thông tin về sản phẩm chung chung. Ví dụ: Trẻ bị đái tháo đường, bị rối loạn chuyển hoá lipid máu, thừa cân thì nên hạn chế ăn mì tôm vì mì tôm có nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo dạng trans, nếu sử dụng gói mỡ có sẵn ở gói mì thì không tốt cho sức khoẻ... Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo, nhiều muối (snack, khoai tây chiên, bim bim, gà rán, thịt nướng, pizza…) cũng là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể, nếu tiêu thụ quá nhiều cũng dễ gây thừa cân béo phì, tăng huyết áp. Mỗi người trưởng thành mỗi ngày trung bình nên ăn khoảng 25-30g dầu, mỡ, tương đương 5-6 thìa cà phê dầu, mỡ mà thôi.

BS Tiến Văn (Viện Dinh dưỡng QG)

BS. Tiến Văn