Dinh dưỡng học đường

Trẻ vị thành niên và thành niên cần bổ sung thêm sắt

  • Tác giả : ThS.BS Nguyễn Văn Tiến
(khoahocdoisong.vn) - Can thiệp dinh dưỡng trong giai đọan trẻ tuổi vị thành niên và thành niên hết sức quan trọng, vì giai đoạn này trẻ phát triển với tốc độ rất nhanh cả về chiều cao và cân nặng, các biến đổi về tâm, sinh lý, nội tiết, sinh dục...

Cân nặng trung bình tăng từ 3 - 5kg/năm, chiều cao tăng từ 4 - 7cm/năm với trẻ vị thành niên, trẻ em trai phát triển nhiều hơn trẻ gái. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên đòi hỏi nhu cầu rất cao để đáp ứng cho tốc độ phát triển cũng như hoạt động. Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến nghị cho lứa tuổi này, trước hết là nhu cầu về năng lượng cần đạt từ 2.100 - 2.200Kcalo/ngày/nữ và 2.100 - 2.900Kcalo/ngày/nam tùy theo từng độ tuổi mà nhu cầu khác nhau. Để đáp ứng được nhu cầu trên, trẻ cần ăn 3 bữa/ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng.

Khoáng chất không thể thiếu với trẻ vị thành niên là sắt. Sắt trong cơ thể cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển oxy, CO2, phòng bệnh thiếu máu và tham gia vào thành phần các men oxy hóa khử. Nhu cầu sắt của trẻ vị thành niên đáp ứng được thông qua chế độ ăn giàu sắt có giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, ở nước ta khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt gía trị sinh học cao từ khẩu phần là rất thấp. Vì vậy, ngay từ tuổi vị thành niên cần uống bổ sung thêm viên sắt hoặc viên đa vi chất hàng tuần. Trẻ trai vị thành niên nhu cầu sắt 12 - 18mg/ngày, trẻ nữ cần 20mg/ngày. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng chuyên biệt cho từng đối tượng là yếu tố quyết định để trẻ phát triển mức tối ưu khi trưởng thành cả về chiều cao, cân nặng, sức khỏe, trí tuệ. Khi trưởng thành có sức khỏe, có tầm vóc cao lớn không bị suy dinh dưỡng là điều kiện kiên quyết để trở thành các ông bố/bà mẹ sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh trong tương lai. Trẻ vị thành niên có sức khoẻ tốt là nguồn nhân lực tốt, có chất lượng cao trong lao động, sản xuất sẽ tạo ra của cải, vật chất hữu ích cho gia đình và xã hội, giúp cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến