Dinh dưỡng học đường

Trẻ thiếu vi chất tăng nguy cơ mắc bệnh

  • Tác giả : Hương Lan
(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng có liên quan tới thiếu và thừa dinh dưỡng mà biểu hiện thường thấy là suy dinh dưỡng (thiếu) và thừa cân, béo phì (thừa dinh dưỡng).

Theo bà Hoàng Thị Đức Ngàn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thành viên nhóm nghiên cứu đề án “Bổ sung đa vi chất tại trường học có thể là một giải pháp giải quyết gánh nặng bệnh tật kép ở trẻ em tiểu học”, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi và nhẹ cân ở học sinh tiểu học lần lượt là 8,9% và 13,8%. Tỷ lệ thấp còi nặng thậm chí còn phổ biến ở 31/63 tỉnh/thành phố ở Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam hiện còn 20 tỉnh có tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân ở mức trên 20%. Trong khi đó, thừa cân, béo phì ở trẻ em cũng đang gia tăng và trở thành một trong những vấn đề sức khỏe có ý nghĩa cộng đồng ở Việt Nam. Vào những năm 2002 - 2003, tỷ lệ béo phì ở trẻ em tại TPHCM là 9,4% nhưng đã tăng lên 20,8% vào những năm 2008 - 2009. Ở một số trường tiểu học ở Hà Nội và Hải Phòng, tỷ lệ này còn lên tới 40%. Sự xuất hiện của thừa cân, béo phì trẻ em tại vùng nông thôn cũng phổ biến hơn. Gánh nặng kép về dinh dưỡng không những tác động bất lợi đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ mà còn làm trầm trọng hơn các hậu quả vốn có của suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì. Vì thế, giải quyết gánh nặng dinh dưỡng kép ở trẻ em là một trong những ưu tiên của ngành y tế và dinh dưỡng tại Việt Nam.

Cả trẻ em bị suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì đều có nguy cơ bị thiếu máu (hemoglobin (Hb) <115g/L), thiếu vi chất dinh dưỡng ví dụ như thiếu sắt, vitamin A và thiếu kẽm cao hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Những thiếu hụt này được xác định là nguyên nhân gây ra các hạn chế về tăng trưởng của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và giảm khả năng học tập của trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tỷ lệ cũng như các yếu tố liên quan của suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng ở học sinh tiểu học ở Việt Nam còn chưa đầy đủ, đặc biệt là ở trẻ bị thừa cân, béo phì. Các can thiệp bổ sung đa vi chất dinh dưỡng cho thấy đây là một giải pháp hiệu quả để làm giảm tỷ lệ thiếu máu, thiếu vi chất, cải thiện các chỉ số tăng trưởng và nhận thức của trẻ ở những trẻ bị suy dinh dưỡng mức độ từ nhẹ đến vừa.

Hương Lan