Dinh dưỡng học đường

Trẻ béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường sau này

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ đang là vấn đề thách thức trên toàn cầu. Chỉ riêng tại Việt Nam, kết quả điều tra gần nhất của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ béo phì ở TPHCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%. Hiện nay tỷ lệ béo phì ở trẻ em vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở những thành phố lớn.

GS.TS.BS Trần Hữu Dàng- Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường VN cho biết, trẻ tiểu học thừa cân hiện nay rất nhiều mà thừa cân béo phì có nguy cơ cao bị đái tháo đường sau này. Khi năng lượng nạp vào nhiều hơn lượng tiêu hao, ăn nhiều hơn so với hoạt động cơ bắp sẽ sinh nhiều bệnh tật, trong đó có đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ngoài ra còn gây dậy thì sớm ở bé gái.

Theo các chuyên gia, dậy thì sớm hoàn toàn không tốt cho trẻ bởi tình trạng này sẽ khiến trẻ bị hạn chế chiều cao khi trưởng thành, có ham muốn tình dục trước tuổi, xuất hiện hội chứng buồng trứng đa nang. Trẻ béo phì có nguy cơ bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành khi trưởng thành. Béo phì gây hiện tượng tích mỡ làm hẹp mạch vành, cản trở lượng máu vận chuyển đến nuôi tim, từ đó làm xuất hiện các bệnh lý về tim mạch. Trẻ béo phì có thể làm cho đường thở gặp nhiều khó khăn, thậm chí là tắc nghẽn hoàn toàn. Đã có nhiều người béo phì gặp chứng ngưng thở khi ngủ và hội chứng giảm thông khí. Ngoài ra, trẻ béo phì khiến trọng lượng cơ thể tăng áp lực lên xương khớp, dễ gây bệnh thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức.

Thông thường bố hoặc mẹ bị béo phì thì 80% trẻ sẽ bị béo phì. Những trẻ lúc sinh có cân nặng trên 4kg có nguy cơ béo phì cao hơn trẻ có cân nặng lúc sinh bình thường. Ở lứa tuổi đi học, nếu tạo thói quen cho trẻ ăn nhiều chất béo (mỡ, da, phủ tạng, thức ăn chiên xào, quay, thức ăn nhanh), uống đồ ngọt, ăn bánh ngọt, trái cây ngọt…nguy cơ béo phì của trẻ sẽ cao. Trong các gia đình, đa phần mới chỉ quan tâm đến dinh dưỡng, sợ trẻ không đủ dinh dưỡng, không có điều kiện phát triển toàn diện mà chưa quan tâm đến sự vận động của trẻ. Trẻ có lối sống tĩnh tại như ít vận động thể lực, dành nhiều thời gian xem tivi, chơi game, đọc sách báo…luôn đi kèm thói quen ăn vặt, lâu dài dễ dẫn đến tình trạng béo phì.

PGS. TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa cho biết, những người mắc bệnh béo phì là đối tượng dễ bị mắc hội chứng chuyển hóa. Khi lao động thể lực giảm xuống, tình trạng thừa mỡ, thừa năng lượng tăng lên thì tình trạng béo phì  đái tháo đường týp 2 cũng tăng lên.

Trong thực tế, nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng, giảm cân cải thiện tình trạng tăng nhạy cảm của insulin và ngược lại. Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, những biến chứng của béo phì như đái tháo đường là kết quả của chuyển hóa bất thường, là sự dư thừa các axit béo tự do, các triglyceride trong các tế bào không phải tế bào mỡ. Chính nhiễm độc lipid là nguyên nhân gây chết tế bào và gây ra giai đoạn tiền lâm sàng của người mắc bệnh đái tháo đường týp 2.

Vì vậy, cân đối giữa năng lượng đưa vào và năng lượng tiêu hao sẽ giữ được thể trạng bình thường. Hãy cho trẻ ăn lượng thức ăn vừa phải, năng vận động để phòng chống béo phì và phòng chống nhiều bệnh tật sau này.

Khánh Thủy