Dinh dưỡng học đường

Thiếu sắt ảnh hưởng quá trình học tập

  • Tác giả : BS Tuấn Anh
(khoahocdoisong.vn) - Thiếu máu do thiếu sắt nằm trong nhóm bệnh thiếu máu dinh dưỡng, là một bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Sắt là một trong ba vi chất quan trọng trong cơ thể ngoài iôt và vitamin A. Dù chỉ hiện diện với một lượng rất nhỏ trong cơ thể nhưng sắt có vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng sống của cơ thể. Sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin để vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan. Sắt tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin sắc tố hô hấp của cơ. Ngoài ra, sắt cũng tham gia vào cấu tạo của nhiều enzym hệ miễn dịch. Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này, đặc biệt có thể gây ra các rối loạn về tâm thần và vận động.

Thiếu máu do thiếu sắt thường có triệu chứng như da tái, người yếu, hay cáu gắt. Nếu thiếu máu thiếu sắt trầm trọng có thể dẫn đến các triệu chứng như sưng bàn tay, bàn chân, tăng nhịp tim, khó thở. Trẻ thiếu máu do thiếu sắt thường chậm chạp, kém tập trung, hay buồn ngủ, có thể hoa mắt chóng mặt, vận động mạnh thường phải gắng sức, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, chậm phát triển tâm thần vận động, kết quả học tập kém.

Ở giai đoạn tăng trưởng, trẻ cần đủ sắt, vì vậy, phải đảm bảo cung cấp đủ qua chế độ ăn uống. Có hai loại sắt khác nhau: Heme và non-heme. Thịt đỏ là một nguồn giàu heme. Sắt non-heme được tìm thấy trong thực vật. Cần có đủ lượng sắt của cả hai loại trên để cơ thể hấp thụ sắt heme dễ dàng hơn. Các thực phẩm giàu chất sắt cũng như những nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt bao gồm vitamin C, vitamin B12 và axit folic, giúp cơ thể trẻ hấp thụ chất sắt. Các loại rau lá xanh đậm như rau bina, củ cải và cải xoăn là nguồn cung cấp tự nhiên của sắt non-heme, đậu Hà Lan, khoai lang, quả sung, nho khô là một nguồn chất sắt tốt.

Ngoài ra, cam quýt có nhiều vitamin C giúp giảm bớt tác động tiêu cực của các hợp chất phytates làm giảm hấp thu sắt. Các loại ngũ cốc, sữa, các sản phẩm từ sữa sau khi chế biến được bổ sung thêm sắt là nguồn thực phẩm nên được ưu tiên. Về chất đạm, thịt bò, thịt bê và gan có thể cung cấp sắt heme trong chế độ ăn uống. Nhiều loại hải sản và động vật có vỏ là nguồn cung cấp chất sắt tốt, đặc biệt là hàu, cá ngừ, cá mòi. Đậu nành và đậu phụ có thể là nguồn protein giàu chất sắt cho chế độ ăn uống từ thực vật. Chế độ ăn có thể giúp điều chỉnh tình trạng thiếu sắt nhẹ, nhưng nếu trường hợp nặng hơn có thể cần phải bổ sung sắt bằng đường uống nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án bổ sung sắt phù hợp nhất.

BS Tuấn Anh (TP Huế)

BS Tuấn Anh