Dinh dưỡng học đường

Tác dụng ngược khi nạp quá nhiều đạm

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Thấy con học hành vất vả, nhiều gia đình cố gắng tẩm bổ bằng cách bổ sung nhiều chất đạm để trí não hoạt động tốt, trẻ mau lớn, tránh còi cọc nhưng thực chất, ăn quá nhiều chất đạm lại sinh ra tác dụng ngược.

Trong mỗi gia đình, do mong muốn con khỏe mạnh, phát triển tốt, cha mẹ thường ưu tiên dành cho con những loại thịt lợn thăn, bò, gà và cả thủy hải sản phong phú. Con ăn ngon miệng càng là động lực để cha mẹ tìm tòi, cải tiến bữa ăn, kết quả sau một thời gian, một số trẻ tăng cân vù vù, số khác do ăn no, ăn chán nên lười ăn, không tăng cân, còn lại do ăn thịt cá nhiều, thiếu rau xanh mà sinh ra táo bón hoặc rối loạn tiêu hóa.

Theo TS Hoàng Kim Thanh, nguyên Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng chất đạm trong khẩu phần của trẻ cần nhiều hơn người lớn, nhu cầu đạm ở lứa tuổi học đường cần 3 - 3,5g/kg thể trọng (trung bình khoảng 30 - 50g/ngày/trẻ). Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nhu cầu về chất đạm cần 55 - 60g/ngày. Tỷ lệ năng lượng do chất đạm cung cấp cần đạt 14 - 15% so với tổng số năng lượng của khẩu phần và tỷ lệ đạm động vật/tổng số lượng đạm cần đạt từ 50% trở lên.

Cho trẻ ăn đa dạng các loại đạm là đúng vì chất đạm tham gia vào cấu trúc mọi tế bào, là lõi của sự phát triển, nền của sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều đạm vì có thể trở thành gánh nặng cho trẻ nhất là khi trẻ uống thiếu nước. Các sản phẩm chuyển hóa trung gian của lượng đạm dư thừa sẽ gây độc hại cho cơ thể.

Theo các nghiên cứu, ăn nhiều đạm động vật có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Khi cơ thể nạp quá nhiều đạm, áp lực lọc cầu thận bị tăng cao, gây mất nước, toan chuyển hóa. Cơ thể phải huy động canxi từ xương để tạo thành photphat canxi nhằm kiềm hóa và duy trì độ pH ở mức ổn định. Vì canxi bị lấy từ xương nhiều, có thể dẫn đến xốp xương, loãng xương, còi cọc. Đồng thời, khi canxi được lấy để cân bằng độ toan kiềm trong máu, chúng sẽ được đào thải qua thận. Quá trình này kéo dài dẫn tới việc lắng đọng, gây sỏi thận. Ăn nhiều đạm còn dẫn đến rối loạn rối loạn tiêu hóa hay còn gọi là loạn khuẩn đường ruột. Ăn nhiều đạm kèm theo ít chất xơ, ít vitamin trong khi hệ tiêu hóa của trẻ còn non, chưa hoàn thiện, dẫn đến tình trạng thức ăn không được tiêu hoá hoàn toàn, đi ngoài phân sống.

Khánh Thủy