Đời sống

Sống đẹp để mà làm thơ

  • Tác giả : Tuệ Minh
(khoahocdoisong.vn) - Sống đẹp để mà làm thơ, đó là câu kết trong bài thơ Chân dung tự họa của ông Đào Trọng Thử (70 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai).  

Mỗi ngày cười không dưới 10 lần

Gặp ông trong chuyến ra Hà Nội thăm quê, thăm bạn. Một người nhỏ bé, khắc khổ, đặc sệt nông dân. Nhưng chỉ cần ông cất giọng đọc thơ là mọi người xung quanh sẽ bị cuốn hút ngay bởi giọng đọc sang sảng, truyền cảm. Gặp những câu thơ hay ông còn say sưa, tâm đắc bình luận, giảng giải khiến người nghe không thể thờ ơ.

Điều đáng khâm phục là ông thuộc rất nhiều thơ. Nói chuyện đến đề tài gì là ông cũng có thể đọc ra những câu thơ liên quan để chứng minh, phân tích và bình.

Chính bản thân ông cũng ngạc nhiên về trí nhớ của mình. Có bài thơ mấy trăm câu ông cũng thuộc lòng, có thể trích đọc từ bất cứ đoạn nào.

Theo ông, thuộc thơ để mà học, để thấy cái tài thơ của người ta. Đọc được một câu thơ hay, trí tuệ, hiểu được cái ý sâu xa của tác giả, sung sướng lắm. Càng ngẫm càng thấy hay, càng thấy sướng. Nhưng khi làm thơ thì phải theo lối riêng của mình, không được bắt chước. Đến nay ông đã xuất bản 7 tập thơ.

Yêu thơ là thế, nhưng với ông Thử, muốn làm được thơ hay thì trước hết phải sống đẹp. Thơ hay mà sống không đẹp thì chỉ là sự giả dối của ngôn từ, không đáng để nói tới. Sống đẹp là luôn đề cao chữ tâm. Sống là cho đi, không bon chen, ganh ghét.

Ông bảo, điều may mắn nhất của ông hiện nay là được ở cạnh những người hàng xóm tốt bụng, đúng kiểu tối lửa tắt điện có nhau. Họ đều là người dân tộc Tày ngoài Cao Bằng vào nên sống rất chân thực, không bon chen. Tiền bạc cũng không mua được những thứ như tình người.

Quan niệm của ông Thử là phải sống sao cho vui cho khỏe, chứ cứ nhăn nhó thì làm sao chịu nổi. Mỗi ngày ông phải cười không dưới 10 lần, còn phải pha trò cho vợ cười.

Vui với thú điền viên

Trò chuyện với ông Thử, nhiều khi thấy ông khá mâu thuẫn. Chuyện gì cũng sôi sùng sục, cũng quyết liệt đến mức cực đoan. Nhưng thực ra đấy chỉ là sự đẩy đến tận cùng cảm xúc để tranh luận hay suy nghĩ và làm thơ.

Còn trong cuộc sống, ông lại chọn cách buông bỏ, sống hiền lành với khu vườn và thú điền viên. Bởi ông nghĩ, sức mình thì có hạn không làm được thì tốt nhất buông bỏ, không bực tức, đỡ mệt người.

8 năm đi bộ đội, vào chiến trường, trải qua bom đạn, điều khiến ông buồn nhất hiện nay là con người vô cảm quá, dường như chúng ta đang mất dần nhau. Những câu chuyện về chiến trường chỉ có thể người trong cuộc mới hiểu, chứ không nói với người trẻ được.

Vẫn biết người trẻ có biết bao thứ phải học, có bao nhiêu việc phải làm, nhưng nhìn các đồng đội của mình ngã xuống mà dần đang bị lãng quên, nhiều khi ông cũng buồn.

Sau giải phóng, 10 năm ông làm phóng viên ở Đài phát thanh và truyền hình Đồng Nai, phụ trách mảng nông thôn. Đi nhiều, làm nhiều phóng sự điều tra, ông hiểu hơn ai hết nỗi khổ của nông dân, càng thương họ. Rồi 6 năm công tác trong ngành dâu tằm, ông về hưu non, bắt đầu sự nghiệp làm nông dân của mình.

Ông kể, mấy lần mua đất, vợ chồng con cái đổ mồ hôi, công sức khai hoang, trồng cây, vậy mà sau đó lại bị thu hồi để làm khu công nghiệp. Đau xót vô cùng, nhưng cũng chỉ nghĩ mình phận hẩm. Đến giờ trên mảnh vườn 7000m2, ông hài lòng với cái thú điền viên.

Quanh đó người ta trồng keo, hay các loại cây công nghiệp để cho đỡ vất vả. Riêng ông lại trồng các loại cây ăn quả: chuối, mít, dừa và các loại rau, rồi nuôi lợn, nuôi cá… nên lúc nào cũng luôn chân luôn tay.

Chọn cách vất vả đề vừa vui vừa có sức khỏe. Ngày nào cũng cầm cuốc, đào một gốc trồng chuối thôi là mồ hôi đã ra như tắm, khỏi cần tập thể dục. Ông cũng nghiện xuống vườn rồi, ngày nào có việc gì không xuống vườn được là thấy không khoái. Vừa làm vườn vừa làm thơ, niềm vui giản dị mà ông đã chọn cho mình.

Tuệ Minh