Dinh dưỡng học đường

Nhiều yếu tố mới làm nên chiều cao của trẻ

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Trẻ em có 2 giai đoạn phát triển thể chất vượt trội là giai đoạn 1000 ngày đầu đời và giai đoạn tuổi dậy thì. Hai giai đoạn này nếu trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và có môi trường sống lành mạnh thì sẽ đạt được chiều cao tối ưu.

Theo TS.BS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 1.000 ngày đầu đời được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất của trẻ. Tuổi dậy thì (từ 12-18 tuổi) đặc trưng bởi sự tăng trưởng vượt bậc về cả cơ bắp, khung xương cũng như các chức năng sinh dục. Ở giai đoạn 10 tuổi, cứ mỗi năm bé gái  tăng 10cm chiều cao và tăng dần đến khi đạt được 15cm một năm ở độ tuổi 12. Đỉnh tốc độ tăng trưởng của trẻ nam là 12 tuổi (10cm/năm) và đạt tối đa đến 14 tuổi (15cm/năm). Tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần trong khoảng 15 tuổi ở nữ giới và khoảng 17 tuổi ở nam giới. Thời gian phát triển chiều cao mạnh nhất ở nữ giới là từ 8-17 tuổi, quyết định đến 23% chiều cao trung bình ở người trưởng thành.

Kích thước xương, khối lượng xương và mật độ chất khoáng ở mỗi xương tăng lên khoảng 4% mỗi năm tính từ 8 tuổi cho đến qua giai đoạn vị thành niên. 

Sự tích lũy nhanh chóng về khối lượng xương có liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển chiều cao và có thể cả sự hoạt động của các hormon tăng trưởng như IGF-1, steroid sinh dục và các receptor của các hormon. Vai trò của khẩu phần ăn càng trở nên rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể của trẻ em trong giai đoạn này. Các chất dinh dưỡng chính để tăng trưởng và phát triển gồm protein, sắt, canxi, vitamin A, vitamin D, iốt và kẽm. Ngoài ra còn có vai trò của hormon GH và các hormon sinh dục. Trong giai đoạn này, cơ thể có nhiều tiềm năng để khắc phục các tình trạng chậm phát triển do thiếu dinh dưỡng ở các giai đoạn trước.

Để tận dụng thời gian tăng chiều cao cho trẻ, nhiều bà mẹ đã thúc con bằng sữa mà quên mất phải kết hợp với nhiều thực phẩm khác. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, sữa là một thực phẩm rất tốt, có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp trẻ tăng trưởng và phát triển chiều cao, sữa là nguồn cung cấp canxi quan trọng nhất. Tuy nhiên, để có sự tăng trưởng chiều cao liên tục, cơ thể trẻ cần được nhận đầy đủ năng lượng cần thiết hàng ngày, trẻ phải được bổ sung đầy đủ vitamin A, vitamin D, lysin, canxi, sắt, kẽm, iốt. Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong chuyển hoá, canxi và photpho là hai khoáng chất quan trọng để phát triển xương. Nếu thiếu vitamin D thì ruột sẽ không thể hấp thu được canxi và photpho dẫn đến trẻ bị còi xương - ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều cao. Vitamin D có rất ít trong thức ăn, nguồn vitamin D chủ yếu là da tự tổng hợp được khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vì vậy cần phải cho trẻ ra ngoài tắm nắng để tổng hợp vitamin D giúp xương phát triển.
Vitamin A cũng giúp cho sự tăng trưởng của xương, giúp tăng cường miễn dịch, trẻ ít bị ốm đau thì sẽ có cơ hội để cao lớn hơn. Ngoài ra còn có kẽm. Kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần các enzym trong cơ thể, giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. 

Ngoài dinh dưỡng, trẻ phải được ngủ đủ giấc. Hormon tăng trưởng do tuyến yên tiết ra cao nhất là vào ban đêm khoảng 11 – 12 giờ đêm. Các yếu tố tăng trưởng phải được kết hợp với nhau, không có một thực phẩm đơn lẻ nào quyết định hoàn toàn được chiều cao của trẻ.

Khánh Thủy