Chữa bệnh không dùng thuốc

Mẹo thông tắc tia sữa cho mẹ mới sinh đơn giản, hiệu quả nhất

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Tắc tia sữa là tình trạng mà bất cứ mẹ bỉm nào cũng có thể gặp phải trong giai đoạn đang nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu không được thông tắc tia sữa đúng cách, kịp thời thì có thể dẫn tới áp xe bầu vú hoặc viêm tuyến vú.

Tắc tia sữa sau sinh là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng trong bầu ngực do ống dẫn sữa bị bít tắc, khiến bé gặp khó khăn trong việc bú mút, cũng như khiến mẹ gặp khó khăn và đau đớn khi hút sữa. Mặc dù tắc tia sữa không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, mẹ có thể mắc các bệnh lý như viêm tuyến vú, áp xe vú, hình thành các dải xơ hóa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thông thường, khi tắc tia sữa thì bầu ngực sẽ đau nhức, căng cứng và sữa không tiết ra hoặc tiết ra ít dù mẹ bỉm đã dùng máy hút sữa. Đồng thời, sau đó có thể xuất hiện các cục cứng có kích thước khác nhau ở trên bầu ngực và khi sờ vào mẹ bỉm sẽ thấy đau nhức. Không chỉ vậy, còn có thể kèm theo các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, có nốt sần quanh bầu ngực,...

Dưới đây là một số cách thông tắc tia sữa cho mẹ mới sinh hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:

Chườm nóng bầu ngực

Mẹ có thể sử dụng khăn bông mềm thấm nước ấm đắp lên ngực, hoặc dùng chai thủy tinh chứa nước ấm lăn qua lăn lại trên bầu ngực để thông tia sữa, giúp sữa chảy đều đặn hơn. Lưu ý không sử dụng nước quá nóng để tránh việc bỏng rát.

Massage bầu ngực

Xoa bóp nhẹ nhàng từ bầu ngực hướng dần vào trong núm vú, dùng lòng bàn tay hoặc các ngón tay xoa bóp quanh quầng vú để kích thích và khai thông tia sữa. Để mang lại hiệu quả thông tắc tia sữa tốt nhất, mẹ nên áp dụng biện pháp này song song hoặc ngay sau khi chườm nóng.

Tránh gây áp lực lên ngực

Trong suốt thời gian cho con bú, mẹ nên mặc áo ngực thoải mái hoặc hạn chế mặc áo ngực để giúp bầu ngực được thông thoáng, nhờ đó sữa được sản xuất và lưu thông dễ dàng hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên tránh nằm sấp khi ngủ hoặc tập những môn thể dục, thể thao tác động trực tiếp lên ngực.

Thay đổi tư thế khi trẻ bú

Mẹ cũng nên đổi tư thế khác nhau mỗi khi cho trẻ bú, bởi ở mỗi tư thế thì dưới lực bú mút trẻ sẽ tác động đến các tia sữa khác nhau. Như vậy khi đổi nhiều tư thế sẽ giúp có nhiều lực hút để thông tia sữa đang bị tắc.

Hút sữa sau khi trẻ bú no

Mẹ có thể sử dụng tay vắt sữa hoặc dùng máy hút sữa giúp hút sạch sữa thừa trong bầu ngực ra ngoài. Như vậy sẽ đảm bảo sữa không bị ứ đọng lại trong bầu ngực.

Chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Sức khỏe tinh thần của mẹ bỉm cũng rất quan trọng. Do đó, chị em hãy luôn nghỉ ngơi hợp lý để phục hồi sức khỏe sau sinh, đồng thời giữ tinh thần vui vẻ để nguồn sữa được dồi dào hơn.

Chế độ ăn uống khoa học

Cũng giống như khi mang thai, sau khi sinh con và đang cho con bú, mẹ nên duy trì chế độ ăn uống khoa học và toàn diện các chất đạm, chất béo, các loại vitamin và khoáng chất cần thiết để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho bé thông qua sữa mẹ. Đặc biệt, các nhóm chất carbohydrate, sắt, nước… tuyệt đối không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.

Uống nhiều nước

Mẹ nên uống từ 2,5-3 lít nước mỗi ngày, tức là nhiều hơn nhu cầu so với người bình thường để thanh lọc cơ thể và tạo sữa cho bé. Bởi thành phần chính của sữa mẹ là nước, do đó nếu cơ thể mẹ thiếu nước sẽ không thể sản xuất đủ lượng sữa cần thiết cho bé. Ngoài ra, mẹ nên uống nước ấm để kích sữa dễ dàng hơn.

Giang Thu (T/H)