Đời sống

Luôn học hỏi với tinh thần “Học, học nữa, học mãi”

  • Tác giả : Cẩm Văn (Hà Nội)
(khoahocdoisong.vn) - Luôn học hỏi với tinh thần “Học, học nữa, học mãi” là điều ông Đinh Lý Hùng 74 tuổi ở số 2, ngõ 147B phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội rút ra thực tiễn cuộc sống và làm việc của mình.

Ông Hùng (trái) trong buổi học thư pháp.

Ông cho biết, những năm học tại trường cao đẳng sư phạm Thái Bình ông được học tiếng Nga và đó là lần đầu tiên ông biết đến lời dạy của lãnh tụ Lê-Nin: “Học, học nữa, học mãi”. Khi ấy chưa hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của lời dạy đó mà mới chỉ nghĩ cố gắng miệt mài đèn sách 3 năm rồi đi dạy học kiếm tiền nuôi sống bản thân mình để khỏi phải ăn bám bố mẹ mà thôi.

Tốt nghiệp được phân công dạy môn toán và làm chủ nhiệm lớp 8 tại trường phổ thông cấp III huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, công việc mới mẻ đã “yêu cầu” ông phải học thêm nhiều điều mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Việc đầu tiên là phải chủ động học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước rồi tìm hiểu, nắm hoàn cảnh cụ thể của hơn 40 em học sinh đa phần là người Mông, số ít là người Dao và người Kinh. Để thuận tiện cho việc giao tiếp, gần gũi chia sẻ thấu hiểu các em cũng như bố mẹ của các em hơn, ông lại phải mày mò học thêm tiếng Mông, tiếng Dao…

Một thời gian sau, ông tiếp tục được đi học Đại học Sư phạm Thái Nguyên, tốt nghiệp về dạy tại trường phổ thông cấp III thành phố Tuyên Quang. Sau đó lại được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú rồi từ đây chuyển công tác về trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang làm cán bộ giảng dạy môn toán kiêm Chủ tịch Công đoàn trường cho đến khi nghỉ hưu.

Ông chia sẻ, gần 40 năm công tác của ông hầu như năm nào cũng phải học thêm khi thì bổ sung kiến thức chuyên môn, lúc lại “học việc học nghề” sau mỗi lần được giao thêm việc mới. Điều mà ông thấm thía và rất tâm đắc với lời dạy của người xưa, đó là “Học thày không tày học bạn”, “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”…và điều quan trọng là không nhất thiết cứ phải đến trường đến lớp, có thầy có trò… mới là học mà học từ trong quan hệ giao tiếp, trong công việc, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nó giúp cho mỗi người không chỉ được bồi bổ thêm kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống mà còn giúp hoàn thiện, định hình phong cách làm việc.

Với suy nghĩ đó, ông đã đến với lớp học chữ Hán-Nôm và điều làm ông rất mừng là có tới trên 50% trong tổng số gần 30 môn sinh ở độ tuổi từ 65 trở lên và chỉ có 2 môn sinh ở độ tuổi dưới 50 vẫn miệt mài bút lông nghiên mực cần mẫn viết thư pháp trên từng trang giấy với những nét sổ, nét đao, nét mác…sắc xảo, mềm mại mà vững chãi.

Ông tâm sự, việc học đã đồng hành cùng ông đến tận bây giờ và ông nghĩ sẽ tiếp tục còn phải “Học, học nữa, học mãi” cho đến điểm cuối cùng của cuộc đời.

Cẩm Văn (Hà Nội)