Dinh dưỡng học đường

Kali cần thiết cho sự phát triển cơ bắp và não bộ

  • Tác giả : BS Nguyễn Nghĩa
(khoahocdoisong.vn) - Kali có chủ yếu ở bên trong tế bào và giữ vai trò quan trọng trong các quá trình chuyển hóa, tham gia hệ thống đệm điều hòa pH của tế bào.

Kali là chất rất cần cho sự hoạt động bình thường của cơ tim. Kali giữ vai trò quan trọng trong các quá trình chuyển hóa, duy trì áp lực thẩm thấu của tế bào và cân bằng toan kiềm, tham gia vào quá trình tổng hợp protein và glycogen, tạo các xung động thần kinh, bài tiết insulin, tham gia vào quá trình giãn cơ. Kali là chất cân bằng của natri và đóng vai trò căn bản trong quá trình phân phối nước, điều hoà âm dương của cơ thể.

Nếu thiếu kali cơ thể thường biểu hiện như yếu cơ, mệt, co quắp, tăng kích thích, ngoại tâm thu. Với tình trạng mất kali cấp hay mạn gây ra thiếu trầm trọng sẽ có nguy cơ bị liệt, bao gồm liệt ruột và tim loạn nhịp. Theo các nghiên cứu, khi nồng độ kali trong máu giảm dưới 3,5mmol/l đó là giảm kali huyết, một dạng rối loạn điện giải thường gặp nhất trên lâm sàng. Hạ kali huyết có nhiều nguyên nhân, có thể đó là các trường hợp bị tiêu chảy nhiều ngày, nôn quá nhiều, hoặc ra quá nhiều mồ hôi, rối loạn hấp thu, suy dinh dưỡng… Để phòng các bệnh liên quan hạ kali huyết cần duy trì chế độ ăn giàu kali.

Kali là vi chất dễ kiếm, có nhiều trong thực phẩm hàng ngày như chuối, đậu nành, ngũ cốc, đậu mè, nấm, rau củ quả tươi, khô các loại. Cách tốt nhất để cơ thể đủ kali là ăn tạp nhiều loại lương thực thực phẩm nêu trên. Nên bổ sung thịt lợn nạc, thịt bò, đỗ các loại, khoai tây, khoai lang, gạo, ngô, rau dền, bắp cải, cam, chanh, chuối… Ở lứa tuổi thiếu niên, khi cơ và xương đang tăng trưởng cũng như phụ nữ khi mang thai cần phải dùng chế độ ăn nhiều kali mới đáp ứng được nhu cầu cơ thể. Riêng đối với trẻ em, kali còn cần thiết cho sự phát triển cơ bắp và não bộ. Trẻ em ở độ tuổi đi học thường hay bị thiếu hụt kali nên phải bổ sung thông qua thực phẩm. Bổ sung đủ kali cũng giúp trẻ ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch, sỏi thận trong tương lai.

Đối với trẻ em, để tránh giảm kali huyết cần tránh để cơ thể mất nhiều mồ hôi khi lao động, chạy nhảy, luyện tập nặng bằng cách thường xuyên uống nước ngay cả khi chưa thấy khát. Khi có tiêu chảy cấp, tốt nhất nên đi khám bệnh ngay.

BS Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)

BS Nguyễn Nghĩa