Y học và đời sống

Dùng lá lộc mại trị táo bón, người phụ nữ 70 tuổi nhập viện cấp cứu

  • Tác giả : Thu Giang (T/H)
Dùng lá lộc mại để điều trị bệnh táo bón, người phụ nữ 70 tuổi tại Nghệ An nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, buồn nôn,...
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân L.T. K., (70 tuổi, trú tại xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu) nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất mệt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn.

Qua thăm khám các bác sĩ thấy bệnh nhân da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, được chẩn đoán tan máu, suy thận, viêm ống thận cấp và cần chuyển cấp cứu. Bệnh nhân cho biết, trước đó có dùng lá lộc mại để điều trị bệnh táo bón.

Qua khai thác bệnh trạng, bệnh nhân cho biết, có dùng lá lộc mại để điều trị bệnh táo bón và bị ngộ độc.

Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu thông tin thêm, trong những năm vừa qua, trên địa bàn có nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu do dùng lá cây lộc mại trị táo bón, tiêu chảy. Chỉ tính từ đầu năm 2023, trên địa bàn đã có 3 trường hợp ngộ độc lá lộc mại đã phải chuyển tuyến và lọc máu tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

Cây lộc mại có tên khoa học là Mercurialis indica Lour, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Ở nước ta, cây lộc mại còn được gọi với một số tên khác như là lục mại, rau mại, rau mọi hay Pơ chơ hái (tiếng Thái).

Lộc mại là cây gỗ, thân cây có thể cao đến 15m. Phiến lá lộc mại hình bầu dục dài 10-14cm, mép răng thưa, lá mỏng, có lông. Cây lộc mại ra hoa vào tháng 5-8, kết quả vào tháng 7. Cây lộc mại thường mọc hoang ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hoà Bình.

Các chuyên gia khuyến cáo, cây lộc mại là loại thảo dược có độc tính cao, có tác dụng chữa bệnh nhưng khi sử dụng cần phải theo chỉ định của bác sĩ.

Thu Giang (T/H)