Đời sống

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ khi sử dụng lò vi sóng

  • Tác giả : Thụy Bình
Công an TP Hà Nội vừa đưa ra thông tin cảnh báo về các biện pháp xử lý khi xảy ra sự cố cháy nổ đối với lò vi sóng.

Lò vi sóng sử dụng sóng viba ở tần số phù hợp để có thể đi sâu vào trong thức ăn và truyền năng lượng cho nước bên trong thực phẩm, sinh ra ma sát lớn giữa các phân tử và từ đó sản sinh nhiệt năng làm thức ăn nóng.

Lò vi sóng là một trong những thiết bị an toàn và tiện lợi, hâm nóng nhiều loại thực phẩm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra bỏng và có thể dẫn đến cháy.

lo-vi-song(1).jpg
Cảnh báo nguy cơ cháy nổ khi sử dụng lò vi sóng.

Theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân dễ dẫn đến cháy nổ lò vi sóng.

Trong quá trình sử dụng, tia lửa sẽ xuất hiện bên trong lò khi các tia sóng viba được phát ra để làm nóng thức ăn nhưng khi đến bề mặt thì không bị hấp thụ mà bị trượt trên bề mặt hoặc phản xạ và giao thoa với nhau làm nhiệt độ tăng cao đột ngột ở các bề mặt tiếp xúc, hình thành các tia lửa trong một số tình huống cụ thể như: Cho đồ dùng bằng kim loại (thìa, đĩa kim loại, bình nước giữ nhiệt...) hoặc chế biến các món nướng bằng cách bọc thực phẩm bằng giấy bạc rồi cho vào lò vi sóng...

Bên cạnh đó, ngọn lửa, khói hình thành trong lò vi sóng do đặt thời gian hoặc nhiệt độ quá nhiệt độ làm chín thức ăn hoặc túi đựng thức ăn do người sử dụng đưa vào hơi lớn so với khoang lò nên chúng không được quay đều trong quá trình lò hoạt động, dẫn đến hình thành ngọn lửa hoặc khói tại vị trí sóng viba tác động liên tục.

Mặt khác, các loại thực phẩm có lớp vỏ dày như khoai tây, cà rốt, táo…, đặc biệt là những loại củ chứa magie và selen (như cà rốt) khi nấu trong lò sẽ cháy thành các ngọn lửa xanh, đỏ, vàng. Khi để lâu trong lò, cà rốt bị giãn nở bên trong làm nứt vỏ ngoài sẽ gây ra tiếng nổ. Cho nên, cần gọt vỏ hoặc đâm các lỗ nhỏ lên thân củ trước khi cho vào lò vi sóng.

Do vậy, Công an TP Hà Nội cảnh báo, khi phát hiện ngọn lửa trong khoang lò vi sóng, người dùng hãy tắt hoặc rút phích cắm của lò vi sóng ngay lập tức, nhưng vẫn đóng cửa lò trong 1 - 2 phút để ngọn lửa bị tắt do thiếu oxy.

Sau đó cần ngắt cầu dao điện ngay và tuyệt đối không di chuyển lò vi sóng đang cháy vì có thể bị bỏng và ngọn lửa bùng phát mạnh hơn, gây cháy lan.

Đặc biệt, không sử dụng nước dập tắt đám cháy khi chưa ngắt nguồn điện để tránh bị điện giật đồng thời sử dụng bình chữa cháy khí C02 để xử lý ngọn lửa phát sinh.

Nếu đám cháy vẫn tiếp tục phát triển, không kiểm soát được và có nguy cơ cháy lan ra các vật dụng xung quanh, người dân cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết.

Hoặc gọi điện cho Cảnh sát PCCC số 114, chính quyền nơi gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Thụy Bình