Dữ liệu y khoa

Bệnh nhân tiền đái tháo đường nào cần dùng thuốc?

  • Tác giả : TS.BS Nguyễn Quang Bảy
Tiền đái tháo đường có khả năng gây một số biến chứng về tim mạch, thận, thần kinh... nhưng không phải mọi người tiền đái tháo đường đều cần điều trị thuốc.

Tiền đái tháo đường là tình trạng rối loạn đường huyết nằm giữa bình thường và đái tháo đường. Một người được chẩn đoán tiền đái tháo đường nếu (1) Đường huyết đói > 5,6 mmol/L; (2) đường huyết 2h sau làm nghiệm pháp dung nạp glucose từ 7,8 – 11,0 mmol/L; (3) HbA1C từ 5,7 – 6,4%.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tiền đái tháo đường có khả năng gây một số biến chứng về tim mạch, thận, thần kinh... và nếu để tiến triển tự nhiên thì sau 10 năm có tới 50% những người tiền đái tháo đường sẽ chuyển thành đái tháo đường thực sự.

Các biện pháp điều trị tiền đái tháo đường bao gồm thay đổi lối sống và dùng thuốc với mục tiêu ngăn ngừa tiến triển tiền đái tháo đường thành đái tháo đường và làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm.

Có nhiều loại thuốc có tác dụng nhưng cho đến nay thuốc duy nhất được khuyến cáo là Metformin, với liều từ 500 – 2000mg/ngày. Những người béo phì có thể cần phẫu thuật cắt/thắt dạ dày để làm giảm cân.

Xét nghiệm đái tháo đường - Ảnh minh họa

Xét nghiệm đái tháo đường - Ảnh minh họa

Không phải mọi người tiền đái tháo đường đều cần điều trị thuốc, Hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo những người tiền đái tháo đường tuổi từ 25 – 60 sẽ cần điều trị bằng Metformin nếu có kèm theo:

- Béo phì (BMI > 35 kg/m2 theo theo Hội đái tháo đường Hoa Kỳ - ADA)

- Đường huyết lúc đói ≥ 6,0 mmol/L

- HbA1C ≥ 6,0%

- Người có tiền sử đái tháo đường thai kỳ

- Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang...

Trong thực tế, nhiều người bệnh tiền đái tháo đường mặc dù có chỉ định dùng Metformin nhưng lại từ chối vì (1) sợ sẽ phải dùng thuốc suốt đời và (2) hy vọng là thực hiện chế độ ăn nghiêm ngặt hơn, tập luyện nhiều hơn sẽ làm giảm được mức đường huyết. Suy nghĩ này không đúng, vì:

- Họ có thể ngừng được Metformin nếu sau một thời gian điều trị, đường huyết về được mức dưới ngưỡng cần điều trị như trên.

- Điều trị Metformin không chỉ làm giảm đường huyết (nguy cơ hạ đường huyết cực thấp) mà mục tiêu chính là làm giảm tiến triển thành đái tháo đường, và quan trọng không kém là góp phần ngăn ngừa một số biến chứng của tiền đái tháo đường.

- Chỉ định Metformin cho bệnh nhân tiền đái tháo đường đã được Bộ Y tế chấp thuận và được Bảo hiểm y tế chi trả

- Điều chỉnh lối sống tích cực là cần thiết nhưng rất khó duy trì và nhiều khi khiến bệnh nhân mệt mỏi, gày sút do ăn ít, ăn không đủ chất.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

TS.BS Nguyễn Quang Bảy