Đời sống

Xử lý nghiêm việc livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân

  • Tác giả : Lương Thụy Bình
(khoahocdoisong.vn) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội.

Mới đây, Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ tài khoản facebook gồm: Nguyễn Thị Xuân, tài khoản facebook “Kho sỉ Hà Xuân”; Trần Thanh Bình, tài khoản facebook “Trần Thanh Bình”; Nguyễn Phụng Anh, tài khoản facebook “Nguyen Phung Anh”; Vũ Thị Xoan, tài khoản facebook “Tich Chu (Xoan Vũ)”; Phùng Thị Hồng Vân, tài khoản facebook “Phùng Thị Hồng Vân” và Nguyễn Tùng Lâm, tài khoản facebook “Nguyễn Tùng Lâm” vì đã có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Với vi phạm này, mỗi cá nhân trên đã bị xử phạt 12,5 triệu đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ các thông tin vi phạm.

Đăng tải nhiều video độc hại với trẻ em, kênh youtube Timmy TV vừa bị xử phạt 15 triệu đồng và yêu cầu đóng kênh.

Đăng tải nhiều video độc hại với trẻ em, kênh youtube Timmy TV vừa bị xử phạt 15 triệu đồng và yêu cầu đóng kênh.

Sáng 29/5/2021, Sở TT&TT TPHCM cũng đã có buổi làm việc và yêu cầu một nữ doanh nhân dừng việc livestream trên mạng xã hội do nữ doanh nhân này liên tục có hành vi livestream xúc phạm nhiều cá nhân, nghệ sĩ.

Để kịp thời nắm bắt, có biện pháp chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ TT&TT đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao. Theo đó, Sở TT&TT và công an các địa phương cần tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn. Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.

Điều 101, Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người tham gia mạng xã hội. Theo đó, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy...; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc… Đặc biệt, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hơn, việc đăng các thông tin mang tính xúc phạm người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý về tội “Làm nhục người khác” hay tội “Vu khống” theo các Điều 155, Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Lương Thụy Bình