Giáo dục

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu kỹ ý kiến chuyên gia về "Chương trình thực nghiệm"

  • Tác giả : Cát Cát
(khoahocdoisong.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ nghiên cứu kỹ ý kiến của chuyên gia, dư luận về "Chương trình thực nghiệm".

Cụ thể, Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào (cán bộ Trung tâm Công nghệ giáo dục) và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về "Chương trình thực nghiệm.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thực hiện rà soát lại việc thẩm định sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại "chương trình thực nghiệm" và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.

Văn phòng Chính phủ cũng có phiếu chuyển Bộ GD&ĐT kiến nghị của nhà giáo Phan Sắc Long, nguyên trưởng phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch - Quảng Bình đề cập đến vấn đề thẩm định sách giáo khoa và việc loại bộ sách Công nghệ giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên để xem xét, xử lý.

Ngay sau khi ba cuốn sách của Công nghệ giáo dục là Tiếng Việt, Toán và Đạo đức do giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên bị hội đồng thẩm định quốc gia loại ngay từ vòng 1, ông Phan Sắc Long đã cùng với một số chuyên gia, các nhà giáo từng trực tiếp quản lý, tổ chức dạy chương trình thực nghiệm Công nghệ giáo dục lên tiếng phản biện.

Ông Long đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, gửi ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng, phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội.

Ngoài việc kiến nghị việc xem lại kết quả thẩm định đối với sách Công nghệ giáo dục, nhà giáo Phan Sắc Long dẫn giải các bằng chứng về thành quả đã được khẳng định của Tiếng Việt Công nghệ giáo dục. 

Theo đó, trong cuộc thay sách năm 2000, Tiếng Việt Công nghệ giáo dục từng bị ngừng.

Nhưng sau, vì nạn tái mù chữ có nguy cơ xảy ra trên diện rộng do học sinh một số vùng khó khăn không học được chương trình hiện hành nên Bộ GD&ĐT khi đó phải "lách luật" để đưa Tiếng Việt Công nghệ giáo dục trở lại qua một dự án tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng khó.

Hiện tại 48 tỉnh thực hiện Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, với trên 900.000 học sinh, nếu phải ngưng do quyết định của hội đồng thẩm định quốc gia thì sẽ xảy ra xáo trộn lớn và hậu quả gánh chịu là học sinh. Ông Phan Sắc Long cũng bày tỏ những nghi ngại về quy trình thẩm định sách giáo khoa.

Cát Cát