Doanh nghiệp

Soi năng lực “ông lớn” trúng thầu cao tốc Bắc - Nam

  • Tác giả : Khánh Hoài – Hồng Linh
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty 36 - CTCP và Công ty CP Hải Đăng là các doanh nghiệp thuộc các liên danh được chỉ định thầu gói thầu cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau.

Ngày 25/12, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã ký các gói hợp đồng với các nhà thầu tư vấn, xây lắp của các đoạn dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi: Năng lực của các doanh nghiệp này như nào, có đủ sức khỏe để thực hiện dự án này hay không?!

Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn chậm tiến độ thi công nhiều dự án

Theo tìm hiểu của Khoa học và Đời sống, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn góp mặt trên nhiều dự án trọng điểm, nhưng liên tục bị chậm tiến độ thi công và bị cảnh cáo, từng bị cho là hạn chế năng lực. Cụ thể, tại dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, Ban QLDA Mỹ Thuận đã có văn bản cảnh cáo Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn do chậm tiến độ 4 tháng so với kế hoạch.

Loạt “ông lớn” được chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa).

Loạt “ông lớn” được chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa).

Về năng lực tài chính, năm 2020, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đạt doanh thu 3.373 tỷ đồng, vượt 0,4% so với kế hoạch; lợi nhuận đạt 20,279 tỷ đồng, vượt 1,4% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước đạt 47,7 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 8.539.862 đồng/người/tháng.

Năm 2021, giá trị sản xuất và doanh thu đạt 106% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 101% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước đạt 111% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 102% so với mục tiêu.

Dòng tiền kinh doanh âm của Tổng Công ty 36

Tổng Công ty 36 - CTCP (mã G36 – sàn UPCoM) ghi nhận doanh thu đạt 306,79 tỷ đồng và lỗ 3,29 tỷ đồng trong quý III/2022. Trước đó, quý II/2022, G36 ghi nhận doanh thu đạt 246,5 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế 5,74 tỷ đồng lỗ 15,52 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trong quý III, lợi nhuận gộp tăng 29,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 6,19 tỷ đồng lên 26,98 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 19,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 4,64 tỷ đồng về 18,9 tỷ đồng. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, G36 ghi nhận doanh thu đạt 622,14 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 7,98 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 12,94 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục ghi nhận âm 603 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 305,4 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư dương 268,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 182,2 tỷ đồng, chủ yếu tăng do vay nợ. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022, G36 đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh chính thâm hụt. Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Tổng công ty 36 giảm 2,6% so với đầu năm về 4.851 tỷ đồng.

Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn là doanh nghiệp giao thông đang góp mặt trên nhiều dự án trọng điểm.

Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn là doanh nghiệp giao thông đang góp mặt trên nhiều dự án trọng điểm.

Biên lợi nhuận khiêm tốn Công ty CP Hải Đăng

Công ty CP Hải Đăng được thành lập vào tháng 11/2008, trụ sở chính đóng tại Tây Ninh. Trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu hàng năm của Hải Đăng đều đạt từ hàng trăm đến cả nghìn tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận thu về lại rất khiêm tốn.

Các năm 2018 và 2019, Hải Đăng ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 1.417 tỷ đồng và 1.430 tỷ đồng, lãi sau thuế lần lượt ở mức 12,2 tỷ đồng và 12 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,87% và 0,84%.

Trước đó, biên lợi nhuận các năm 2016 và 2017 lần lượt là 0,51% và 0,54%. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Hải Đăng đạt 1.048 tỷ đồng, tăng 75% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu duy trì ở mức 224,3 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, Hải Đăng có vốn điều lệ 200 tỷ đồng./.

Khánh Hoài – Hồng Linh