Dữ liệu y khoa

Quá tải bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp

  • Tác giả : Thúy Nga
Không chỉ Hà Nội, tại TPHCM, số trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp tăng đột biến. Nhiều loại virus gây bệnh nặng và trẻ dễ tái nhiễm, nếu cha mẹ không biết cách đề phòng.

Ghi nhận của PV Khoa học và Đời sống tại Bệnh viện Nhi TƯ, chỉ tính riêng do virus Adeno từ đầu năm đến nay có hơn 3.130 ca, 9 ca tử vong và có xu hướng tăng nhanh ca bệnh từ giữa tháng 9. Tuần từ 26/9-2/10 ghi nhận gần 1.150 ca, tăng gấp 8 lần so với thời điểm 12-18/9 là 168 ca. Chỉ trong 3 tuần, Bệnh viện tiếp nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno, chủ yếu ở độ tuổi 1-3 tuổi.

Tăng các ca bệnh nặng... 3 trẻ/giường

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc bệnh so với các năm trước, mà kèm theo là tỷ lệ nhập viện cao, với trên 50% số ca phát hiện.

“Thống kê đến sáng 3/10, Bệnh viện Nhi TƯ còn khoảng 300 ca mắc virus Adeno, hơn 40 ca nặng, nguy kịch; trong đó có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi ngoài lồng ngực); 2 ca lọc máu, 35 ca thở oxy. Trẻ nhiễm adenovirus chỉ chiếm 10% số bệnh nhi đến khám viêm đường hô hấp”, Giám đốc BV Nhi TƯ khẳng định.

Tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn… đông kín trẻ ốm sốt. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trẻ phải nằm ghép 3 người/giường, cao điểm 1 bác sĩ phải đảm nhiệm điều trị cho 30 bệnh nhi.

Quá tải bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp ảnh 1

Quá tải bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp

Phân biệt dấu hiệu mắc Adenovirus với bệnh cảm cúm

Adenovirus là bệnh virus cấp tính, có triệu chứng lâm sàng đa dạng, gây các bệnh liên quan đường hô hấp: viêm họng hạch, kết mạc, tiêu chảy cấp ở trẻ em và các bệnh lý diễn biến nặng hơn.

Có thể được chẩn đoán chính xác Adenovirus bằng việc thực hiện các xét nghiệm phát hiện virus trong mẫu bệnh phẩm, hoặc phát hiện các kháng nguyên (chất cụ thể mà virus tạo ra).

Phân biệt với mắc Adenovirus, cảm cúm thông thường có biểu hiện: khó thở, ho dai dẳng, ho ra máu; thở rít, thở khò khè, thở nhanh.

Theo BS Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, khoảng 1 tháng nay, số bệnh nhi đến viện tăng cao, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhi đến khám và điều trị, trong đó có khoảng 20 - 30 trường hợp nhập viện, phần lớn mắc viêm phổi, viêm phế quản, cúm…

“Hiện, khoa ở tình trạng quá tải. 6-7 bác sĩ điều trị cho hơn 100 bệnh nhi, nên phải trực 24/24h, không được nghỉ ngơi”, BS Mai bộc bạch.

Tương tự, tại TPHCM, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận, thăm khám cho khoảng 5.000 bệnh nhi, trong đó, khoảng 60% trẻ bị bệnh lý hô hấp nặng đến từ các tỉnh lân cận. “Đa số là trẻ bị viêm phổi, tiểu phế quản và có tiền sử mắc Covid-19. Số bé bị cơ hen tăng cao...”, TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp nhấn mạnh.

Virusadenovirus có tới 49 týp, tái nhiễm là bình thường

Các chuyên gia nhận định, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do học sinh trở lại trường học sau nghỉ hè, cùng thay đổi thời tiết theo mùa, đã tạo điều kiện thuận lợi cho siêu vi gây bệnh bùng phát. Khi nhiều trẻ mắc bệnh thì nhóm bé có bệnh lý nền nguy cơ trở nặng.

Trẻ đã bị bệnh, vẫn tái nhiễm rất cao, do virus có nhiều týp khác nhau, mắc týp này có thể dính týp khácvà thông thường khi tái nhiễm, bệnh nặng hơn.

Với có 49 týp gây bệnh, nên một người có thể nhiễm nhiều lần, với nhiều týp khác nhau. Týp 3,4,7 gây các bệnh cấp tính như viêm phổi, viêm phế quản; týp 7 rất nguy hiểm, dễ gây tử vong. Týp 8, 19, 37, 53 và 54 viêm kết mạc; týp 40 và 41 tiêu chảy cấp ở trẻ....

PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh, chỉ có 10% trẻ đến khám là do adenovirus, ngoài ra còn rất nhiều các bệnh lý khác gây nên. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện ho, khó thở, sốt cao liên tục, kém đáp ứng thuốc hạ sốt... cần thăm khám để tìm nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý xét nghiệm tràn lanadenovirus khi không cần thiết, lãng phí, tạo tâm lý chủ quan không đưa trẻ đi khám chữa kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bé.

Phòng bệnh viêm đường hô hấp đúng cách

Để chủ động phòng tránh bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ, cha mẹ chích ngừa đầy đủ; tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân; dọn dẹp nhà cửa thông thoáng; nhắc nhở bé rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; không để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hô hấp; cho trẻ ăn uống đầy đủ; bổ sung thức ăn chứa nhiều vitamin C và cần giữ ấm cho trẻ nếu thời tiết chuyển lạnh.

Thúy Nga