Dữ liệu y khoa

Quá tải bệnh nhân hen phế quản

  • Tác giả : Thúy Nga
Không chỉ trẻ nhỏ, người cao tuổi đều nguy cơ mắc hen phế quản, tái nhiễm nhiều lần khi thời tiết giao mùa. Bệnh diễn biến nhanh và có thể gây tử vong nếu không theo dõi và xử trí kịp thời.

Theo khảo sát của PV Khoa học và Đời sống, hiện các bệnh viện trong cả nước ghi nhận tình trạng bệnh nhân viêm đường hô hấp, trong đó có hen phế quản gia tăng đột biến, gây quá tải.

Trẻ bị hen nặng… có tiền sử mắc COVID-19

Tại Bệnh viện E, mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận 100-150 ca bệnh, phần lớn liên quan đến ho, sốt… Nhiều trường hợp phải nằm ghép trong những ngày đầu để chờ giường.

Ước tính cả nước có khoảng 4 triệu người mắc hen, khoảng 25% bệnh nhân phải nhập viện, 42% trẻ nghỉ học, 29% người lớn nghỉ làm và có đến 3.000 người tử vong do hen mỗi năm.

Theo điều tra cho thấy, 78% không biết hen có thể kiểm soát được, 75% không biết về các thuốc điều trị hen, 55% không biết cách ngừa cơn hen và 50% không biết nguyên nhân gây ra hen”. PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Nguyên viện trưởng Viện Tai Mũi Họng TƯ

ThS.BSCKII Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch sốt cao, khó thở, suy hô hấp…

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM mỗi ngày tiếp nhận, thăm khám cho khoảng 5.000 bệnh nhi.

Theo TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, nhóm trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản chiếm số lượng nhiều nhất, đặc biệt số trẻ bị lên cơn hen tăng cao hơn so với cùng kỳ mọi năm.

“Chúng tôi chưa có đủ cơ sở để kết luận bệnh hen ở trẻ gia tăng có liên quan đến dịch COVID-19. Tuy nhiên, khai thác bệnh sử cho thấy, nhiều trẻ bị hen nặng phải nhập viện điều trị có tiền sử từng mắc COVID-19. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, sau nhiễm COVID-19 cơ thể của trẻ có nguy cơ bị rối loạn miễn dịch. Điều đó khiến một số trẻ đang điều trị hen nhưng rơi vào tình trạng mất kiểm soát, một số trẻ bị hen đã được kiểm soát từ lâu nhưng bệnh tái phát trở lại hoặc bất ngờ rơi vào tình trạng hen”, TS.BS Trần Anh Tuấn cho biết.

Không chỉ trẻ em, cả người lớn nhập viện do bệnh mạn tính đường hô hấp với đặc trưng là những cơn hen cấp tính. Tại bệnh viện Bãi Cháy gần đây thời tiết chuyển mùa và sau COVID-19 lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng gấp đôi so với bình thường.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, mỗi ngày có hơn 50 lượt người bệnh đến khám vì hen. Mỗi năm, phòng khám Hen - COPD có khoảng 12.000 lượt khám. Trong đó, khoảng 50% người bệnh đến khám lần đầu với các triệu chứng ho kéo dài, khò khè và khó thở.

Sai lầm khiến người bệnh lên cơn hen cấp, nguy kịch

Các chuyên gia cho biết, mọi người thường có quan niệm sai lầm là hen phế quản chủ yếu xảy ra ở những người trẻ tuổi nhưng thực tế, gặp khoảng 4,5 – 9% ở người già. Số bệnh nhân hen phế quản ở nhóm tuổi trên 65 chiếm khoảng 10% tổng số các trường hợp. Tỷ lệ tử vong do hen phế quản ở nhóm tuổi trên 65 cao gấp 14 lần và một nửa số trường hợp bị bệnh ở người cao tuổi xuất hiện từ lúc trẻ và kéo dài đến tuổi già.

Hen phế quản gặp khoảng 4,5 – 9% ở người già

Hen phế quản gặp khoảng 4,5 – 9% ở người già

Điều đáng nói bệnh hen phế quản ở người cao tuổi thường được chẩn đoán sai hoặc bỏ sót bởi khó nhận biết được đó là bệnh hen, bệnh tim hay bệnh phổi khác. Các triệu chứng thông thường của hen như: ho, khò khè, khó thở, nặng ngực có thể bị nhận định sai sang những bệnh thường gặp khác ở tuổi già như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn, khí phế thũng, viêm mũi, xoang, lao phổi, trào ngược dạ dày, bệnh tim (suy tim sung huyết).

TS.BS Nguyễn Như Vinh,Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV ĐHYD TPHCM cho biết, bệnh hen là bệnh mãn tính ở đường hô hấp do khói bụi, phấn hoa, nấm mốc, mạt nhà... gây ra. Thủ phạm gây hen còn có thể là thực phẩm hải sản (tôm, cua, mực…) hay các nhóm thực phẩm chứa nhiều protein. Vì vậy, việc điều trị hen tại nhà rất quan trọng. Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh cần tránh các yếu tố bất lợi cho bệnh và xử lý các cơn hen cấp nhẹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người bệnh phải nhập viện cấp cứu vì không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ như: không sử dụng thuốc theo toa, sử dụng thuốc cắt cơn thường xuyên mà không dùng thuốc dự phòng, tự ý ngưng thuốc, không tránh các loại thực phẩm hoặc các yếu tố môi trường có thể gây bệnh… Những sai lầm này có thể khiến người bệnh nhanh chóng lên cơn hen cấp, khó thở nặng phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong.

4 triệu chứng chính thường gặp nhất khi mắc hen là ho, khò khè, khó thở và nặng ngực. Các triệu chứng này thường xảy ra về đêm, gần sáng, khi thời tiết thay đổi, gió mùa, mưa, khi người bệnh hít phải các chất gây dị ứng như bụi, khói, phấn hoa, mùi lạ, hoặc khi ăn phải các dị nguyên đường tiêu hóa như tôm, cua, cá…

Thúy Nga