Trong nước

Phẫu thuật thành công cho cụ bà 95 tuổi có bướu cổ khổng lồ

  • Tác giả : Thúy Nga
Khi phát hiện có khối u vùng cổ, người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để chẩn đoán và điều trị sớm, tránh trường hợp để bướu quá lớn, ăn sâu vào trong lồng ngực sẽ gây những biến chứng nguy hiểm…

Bướu tồn tại trên 40 năm

Ngày 3/5, các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu bướu cổ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, vừa thực hiện phẫu thuật thành công cho cụ bà 95 tuổi có khối bướu cổ lớn gây hẹp khí quản gây khó thở.

Đó là trường hợp của cụ bà T.T.H, sống tại Gò Vấp, cách đây hơn 40 năm người bệnh đi khám đã phát hiện bướu cổ nhưng do kích thước nhỏ nên bà không điều trị. Khoảng thời gian gần đây bà thường xuyên có cảm giác khó thở nên đến bệnh viện khám và được chuyển vào khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu bướu cổ để điều trị.

Tại khoa, bác sĩ đánh giá bướu cổ to biến dạng vùng cổ, có khả năng chèn ép vào các cấu trúc xung quanh nhất là khí quản và có khả năng thòng trung thất nên cho chỉ định chụp CT scan cổ ngực có cản quang, kết quả ghi nhận bướu giáp to chèn ép gây hẹp khí quản cổ, chỗ hẹp nhất kích thước 4mm kéo dài một đoạn 11mm.

Hình ảnh người bệnh trước phẫu thuật, bướu cổ to

Hình ảnh người bệnh trước phẫu thuật, bướu cổ to

BS.CKII. Trần Như Hưng Việt, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu bướu cổ cho biết: “Người bệnh đã lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy tim nên nguy cơ đặt nội khí quản rất khó trong quá trình gây mê và nguy cơ phẫu thuật rất cao.

Bên cạnh đó bướu giáp đa nhân 2 thùy to, vôi hóa, chèn ép bóp dẹt khí quản và thòng 1 phần xuống trung thất sẽ gây khó khăn cho quá trình bóc tách bướu, bảo tồn những cấu trúc quan trọng lân cận như thần kinh quặt ngược thanh quản, khí quản và mạch máu lớn.

Êkip đã mời hội chẩn liên chuyên khoa: Gây mê hồi sức, Tai mũi họng, Nội Hô hấp, Nội Tim mạch và Nội Tiết thận để đánh giá và thống nhất phương án phẫu thuật tối ưu nhất.”

Sáng ngày 23/04/2024, êkip bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực mạch máu bướu cổ đã phối hợp cùng khoa Gây mê Hồi sức tiến hành phẫu thuật cắt bỏ bướu cổ cho người bệnh.

Với kinh nghiệm và chuyên môn cao, các bác sĩ khoa Gây mê Hồi sức đã đặt thành công ống nội khí quản cho cụ bà, đồng thời, các phẫu thuật viên đã khéo léo loại bỏ hoàn toàn 2 thùy tuyến giáp với kích thước bên phải là 13x6x6cm và bên trái là 9x6x5cm, bảo tồn được các cấu trúc quan trọng lân cận mà không để xảy ra chảy máu.

ThS.BS Nguyễn Thị Cẩm, Khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu bướu cổ cho biết thêm: “Người bệnh có tiền căn cường giáp đang điều trị ổn định với Thyrozol, chức năng tuyến giáp đã về giới hạn bình thường và phải sử dụng Lugol 1% uống ngày 2 lần trong vòng 7 ngày để giúp giảm chảy máu trong mổ.

Người bệnh lớn tuổi với bệnh lý nền cùng u kích thước lớn là một thách thức với các bác sỹ. Ekip phải phối hợp nhiều chuyên khoa, nội khoa, ngoại khoa khác nhau để đảm bảo an toàn cho người bệnh trước, trong và sau phẫu thuật”.

Ca phẫu thuật kết thúc thuận lợi thành công, chỉ sau đó 1 ngày người bệnh được rút ống nội khí quản và chuyển xuống khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu bướu cổ theo dõi. Sau mổ, cụ bà nói chuyện được to rõ, không tê tay, vết mổ khô, dẫn lưu vết mổ ra ít dịch đỏ sậm, được rút dẫn lưu và xuất viện chiều cùng ngày.

Chỉ 3-6% ác tính nhưng lành tính cũng nguy hiểm

Theo BS.CKII. Trần Như Hưng Việt, đa số trường hợp bướu giáp thòng là lành tính, chỉ có 3-6 % là ác tính. Có hai nguyên nhân gây bướu giáp thòng: do sự lớn dần và di chuyển xuống trung thất của bướu giáp (thứ phát), hay bướu giáp lạc chỗ, nằm hoàn toàn trong lồng ngực và không liên quan với cấu trúc tuyến giáp vùng cổ, còn gọi là bướu giáp chìm thật sự trong trung thất (nguyên phát).

Bướu giáp thòng trung thất chiếm tỷ lệ nhỏ (3 – 20%) trong các trường hợp bướu giáp. Không chỉ xâm lấn hai thùy giáp, thực quản và khí quản, loại bướu này còn thòng xuống lồng ngực, chèn ép các mạch máu quan trọng gây triệu chứng tức ngực, khó thở, khàn giọng, nuốt nghẹn, thậm chí là hội chứng tĩnh mạch chủ trên.

Để tránh để những trường hợp bướu to, việc siêu âm tuyến giáp nhằm tầm soát phát hiện nhân giáp là rất quan trọng. Các bất thường của tuyến giáp có thể được phát hiện qua khám bệnh hoặc phát hiện sớm qua khám sức khỏe định kỳ.

Sau đó bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm để chẩn đoán và đánh giá bệnh bướu cổ như: Xét nghiệm máu chức năng tuyến giáp, Siêu âm tuyến giáp, Đo hấp thụ i-ốt phóng xạ, Chụp CT hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) tuyến giáp…

"Khi phát hiện có khối u vùng cổ người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để chẩn đoán và có hướng xử trí cũng như điều trị sớm, tránh trường hợp để bướu quá lớn, ăn sâu vào trong lồng ngực sẽ gây những biến chứng nguy hiểm, như chèn ép khí quản, thực quản, mạch máu thần kinh, ung thư hoá…" - BS.CKII. Trần Như Hưng Việt, khuyến cáo

Thúy Nga