Trong nước

Phân biệt cúm A và cúm A/H5N1 bằng cách nào?

  • Tác giả : T. Phương (T/h)
Để phân biệt cúm A với cúm A/H5N1, cần lưu ý, cúm mùa là lây từ người sang người còn cúm A/H5N1 lây từ chim hoang dã hoặc gia cầm sang người...
Người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường, dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn, không nên chủ quan - Ảnh minh hoạ

Người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường, dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn, không nên chủ quan - Ảnh minh hoạ

Dễ nhầm lẫn cúm thông thường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường, dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn.

Để phân biệt cúm A với cúm A/H5N1, cần lưu ý, cúm mùa là lây từ người sang người còn cúm A/H5N1 lây từ chim hoang dã hoặc gia cầm sang người, chưa phát hiện lây từ người sang người.

BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chỉ ra rằng, với các triệu chứng lâm sàng, sẽ rất khó để phân biệt cúm thông thường hay cúm gia cầm H5N1.

Theo đó, các loại cúm mùa thông thường như cúm A, cúm B,… và cúm gia cầm, người bệnh đều có thể xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thông thường với như ho, sổ mũi, đau đầu, đau mỏi cơ, sốt,…

Mặc dù cúm gia cầm H5N1 sẽ có diễn tiến nhanh hơn, nặng hơn với các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, suy hô hấp,… với tỷ lệ tử vong cao, đến trên 50%.

Tuy nhiên, với các chủng khác như Covid-19, cúm A, cúm B,… bệnh nhân cũng có thể có những tiến triển nặng tương tự như viêm phổi, suy hô hấp,… mặc dù tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều.

Do đó, để xác định người bệnh có mắc cúm gia cầm H5N1 hay không cần phải làm xét nghiệm.

Gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1-3 ngày - Ảnh minh hoạ

Gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1-3 ngày - Ảnh minh hoạ

Dấu hiệu nào để nhận biết gia cầm mắc bệnh?

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1-3 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của virus.

Gà thường biểu hiện triệu chứng: Đi không bình thường, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh.

Vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.

Đối với gia cầm bị bệnh cần tiêu hủy đàn gia cầm khi phát hiện mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao; Đàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh mà chưa được tiêm phòng vắc xin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao;

Xử lý gia cầm bị bệnh chết bằng hai biện pháp chôn hoặc đốt. Việc chôn, đốt phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Những người thực hiện việc tiêu hủy gia cầm phải có trang bị bảo hộ phòng lây nhiễm.

Cách phòng chống cúm A/H5N1

Người bị nhiễm Cúm A/H5N1 thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao gần 50%. Việc phòng bệnh, nhất là phòng lây nhiễm từ gia cầm qua người là rất quan trọng.

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.

2.Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

3. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

4. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

5. Ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

6. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế.

T. Phương (T/h)