Vusta News

Phản biện quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông

  • Tác giả : Linh Mai
Việc ban hành quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục là rất cần thiết, quan trọng, vì Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra 2 tiêu chí có tính chất nguyên tắc.

Ngày 5/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp Hội Thanh Hoá) tổ chức hội thảo phản biện “Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, thực hiện từ năm 2024 - 2025” do Sở GD&ĐT Thanh Hóa phụ trách soạn thảo.

Tại hội thảo, các thành viên Hội đồng phản biện và chuyên gia của Liên hiệp Hội Thanh Hoá nghe và cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Báo cáo nghiên cứu phục vụ phản biện.

Việc ban hành quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục là rất cần thiết, quan trọng, vì Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra 2 tiêu chí có tính chất nguyên tắc. Nếu không cụ thể hóa, việc hiểu, vận dụng tiêu chí khi lựa chọn SGK sẽ khác nhau, khiến lựa chọn khó phù hợp nhà trường.

Qua nghiên cứu nội dung dự thảo quy định cho thấy, có những điểm chưa hợp lý. Tên của quy định chưa phù hợp nội dung quy định, có nội dung không thuộc phạm vi của tiêu chí lựa chọn SGK.

Một số vấn đề cần được làm rõ vì liên quan việc đưa ra quy định tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp các đặc điểm kinh tế - xã hội, điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Cần lấy ý kiến của các cơ sở giáo dục làm căn cứ thực tế để xây dựng tiêu chí.

Về hình thức, cơ quan soạn thảo cần thống nhất cách đánh số: Điều, khoản, điểm giữa các điều, chương; rà soát, sử dụng một số thuật ngữ đúng với văn phong của văn bản quy phạm pháp luật.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ghi nhận, tiếp thu ý kiến và giải trình một số nội dung cần làm rõ trong dự thảo quy định.

Sau Hội thảo, Liên hiệp Hội Thanh Hoá sẽ hoàn thiện Báo cáo phản biện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, gửi cơ quan soạn thảo tiếp thu và hoàn thiện.

Linh Mai