Đời sống

Phải biết tự điều chỉnh bản thân

Mấy năm rồi tôi mới có dịp trở lại thăm PGS Trần Tuấn Thanh vì ông chuyển nhà về Hà Đông. Ở tuổi 84, người kỹ sư già râu tóc bạc trắng ấy vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công việc, với cuộc đời.

Luôn gắn liền với Đại học Bách khoa

PGS Trần Tuấn Thanh sinh năm 1933. Ông nguyên là giám đốc Trung tâm cơ khí chính xác Đại học Bách khoa Hà Nội, tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ Bắc Hà, Anh hùng lao động thời kỳ chống Mỹ.

Ông là người góp phần đặt nền móng cho ngành cơ khí chính xác Việt Nam. Bởi vì ông là là sinh viên khóa 1 khoa Cơ khí của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi ra trường ông lại tham gia giảng dạy luôn. Với ông, 60 năm đời ông tình cảm của ông luôn gắn liền với bốn chữ Đại học Bách khoa.

PGS Trần Tuấn Thanh

Năm 1973, ông đã điều hành một công trình nghiên cứu cấp nhà nước lần đầu tiên giao cho Trường Bách khoa: nghiên cứu chế tạo bộ đôi vòi phun bơm cao áp động cơ diezen cho các loại xe chiến trường. Ông kể, khi đó từ thiết bị, thước cho  đến máy móc đều phải tự làm lấy cả, chứ chả lẽ lại vẽ ra đấy rồi bắt Nhà nước đi mua. Chúng  tôi biết nước mình đang ở điểm xuất phát nào và điểm cần phải đến là gì.

Ông bảo, chính những điều học được trong thực tiễn nghiên cứu khiến ông khôn ra. Có thời gian, được nhà trường cử xuống làm phó quản đốc phân xưởng nhà máy cơ khí Mai Động, ông đi ngay. Dạy xong mặc vội quần áo bảo hộ lao động đi ngay xuống nhà máy. Lúc đầu chỉ là phó quản đốc danh dự nhưng sau một thời gian ông được giao hết mọi việc.

Với ông, không gì quý bằng được đồng nghiệp đánh giá là người tổ chức hoạt động khoa học có hiệu quả, gắn được đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất, một thầy giáo hết lòng vì sinh viên.

Đọc sách, học ngoại ngữ để giữ cho trí óc minh mẫn

Giờ ở tuổi 84, dù tay đã run, mắt đã mờ, nhưng từ chiếc kính lúp đơn giản để đọc sách báo, ông cũng mày mò thay bóng đèn thường tốn pin bằng bóng đèn Led. Ông tự may lấy đệm ghế trong nhà bằng chiếc máy khâu mà ông tự sửa chữa và lắp ráp.

Trong phòng khách ông trân trọng treo 2 bức ảnh đặc biệt, một bức chụp năm 1985 ông đang giới thiệu công nghệ chế tạo bộ đôi vòi phun bơm cao áp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một bức ảnh chụp năm 2015 khi ông tới thăm mộ Đại tướng.

… Và còn biết bao trăn trở của một nhà khoa học trước những ngổn ngang của thời cuộc. Thật xúc động khi ông tâm sự rằng, ông khát khao được ai đó nhờ tư vấn về công nghệ chính xác vì ông có thể tư vấn rất cụ thể.

Người kỹ sư già ấy vẫn nhớ từng chi tiết của dây chuyền lắp ráp cách đây mấy chục năm. Mỗi lần đi qua khu Royal city ông lại dừng lại rất lâu. Dường như ông muốn thấy lại hình ảnh vô cùng thân thuộc của nhà máy Cơ khí trung quy mô, một thời là nhà máy to nhất Việt Nam…

Với ông, điều quan trọng nhất là phải biết tự điều chỉnh bản thân. Ví dụ cũng bài tập yoga, khí công đấy, nhưng ông tập những động tác phù hợp với mình, khiến mình khỏe ra. Ngay như có những việc đấu tranh phê bình cũng vậy, không được nóng nảy, bực tức mà ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuổi già, giờ chỉ ngủ được vài tiếng. 2h sáng ông đã dậy, tập luyện rồi đọc sách, học ngoại ngữ… đó cũng là một cách để giữ cho trí óc minh mẫn. Giờ đây, với ông, một người suốt đời không ngừng lao động và học tập, mỗi thành công nho nhỏ của con cháu là một niềm vui lớn.

 Bảo Anh