Đời sống

Những đứa trẻ nương mình nơi cửa Phật

  • Tác giả : Phương Khánh
Những đứa trẻ tội nghiệp, bất hạnh khi phải rời xa hơi ấm của cha mẹ từ lúc mới chào đời, đã đến nương nhờ cửa Phật như một nhân duyên.

Thương phận mồ côi...

Nhìn bé Khánh Dự (26 tháng tuổi) kháu khỉnh, đôi mắt tinh anh, có ai ngờ vào một buổi sáng sớm cách đây hơn hai năm, em bị bỏ lại trước cổng chùa khi còn đỏ hỏn.

tre-mo-coi.jpg
Các bé đến cửa chùa đều từ khi mới lọt lòng.

Thấy đứa trẻ tội nghiệp, bất hạnh khi phải rời xa hơi ấm của cha mẹ từ lúc mới chào đời, nay con đến cửa Phật đó là một nhân duyên nên Đại đức Thích Nguyên Tâm - Trụ trì chùa Phước Linh (xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) quyết định giữ lại để chăm bẵm và nuôi dưỡng bé.

Do chỉ được bao bọc sơ sài trong một tấm khăn mỏng, phơi mình dưới màn sương lạnh ngắt, cơ thể yếu ớt, Đại đức đã phải tất tả ngược xuôi đưa em lên Bệnh viện Nhi đồng ở TPHCM để chữa chạy.

Hơn 2 năm qua, người này truyền người kia, đến nay Thầy đã đón nhận chăm bẵm và nuôi thêm 5 cháu nhỏ nữa với tình yêu thương vô bờ bến.

1-su-thay-va-nhung-dua-tre-mo-coi.jpg

Điều đặc biệt là các bé đến cửa chùa đều từ khi mới lọt lòng. Trong 6 bé hiện đang được nuôi dưỡng tại chùa, bé lớn nhất 26 tháng tuổi và bé nhỏ nhất gần 1 tháng tuổi. Tất cả các bé, qua vòng tay yêu thương, bao bọc của vị trụ trì từng ngày lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn.

Các bé đến nương tựa tại chùa không trường hợp nào giống trường hợp nào. Có bé bỗng dưng xuất hiện ở cổng chùa, hoặc bị mẹ đưa đến để ở chân tượng Phật, có bé cả cha và mẹ đều đã mất trong đại dịch Covid-19…

Đại đức Thích Nguyên Tâm đã chính thức xin với chính quyền địa phương là UBND xã Tam Phước cho phép nhận nuôi các cháu bị bỏ rơi, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Từ đây, Mái ấm chùa Phước Linh ra đời.

anh-ca-khanh-du.jpg
Đại đức Thích Nguyên Tâm đã chính thức xin với chính quyền địa phương là UBND xã Tam Phước cho phép nhận nuôi các cháu bị bỏ rơi, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Từ đây, Mái ấm chùa Phước Linh ra đời.

Thương tâm nhất có kẽ là 2 bé Khánh Uyển và Khánh Duy mới được nhận nuôi do cha mẹ đều mất vì Covid-19.

Bé nhỏ khi Thầy đón về chùa mới được 3 tuần tuổi, bé lớn 9 tháng tuổi. Thương phận mồ côi bởi các con còn nhỏ quá, Thầy đã kết nối với người thân của các bé, đồng thời làm việc với chính quyền địa phương hoàn tất các thủ tục để đón các bé về chùa nuôi dưỡng.

dai-duc-thich-nguyen-tam.png
Đại đức Thích Nguyên Tâm đang bế bé Khánh Duy – hơn 1 tháng tuổi.

Chỉ cần được nhìn thấy bọn trẻ lớn lên bên nhau mỗi ngày 

“Khánh Uyển mới 9 tháng tuổi. Ba mẹ con từ Cà Mau đến Bà Rịa để lập nghiệp. Và rồi Covid-19 ập đến đã cướp đi mạng sống của ba mẹ con. Chỉ trong một tháng, con trở thành trẻ mồ côi.

Vừa mồ côi cả cha lẫn mẹ, con vừa mang trong mình bệnh viêm da dị ứng nữa. Toàn thân con bị lở loét, nhiều khi vết thương rỉ máu, nhiễm trùng đau đớn. Hiện tại, con được đưa lên TPHCM để thăm khám, chữa chạy, thuốc thang”, Đại đức Nguyên Tâm chia sẻ.

Để chuẩn bị những kiến thức cơ bản về chăm trẻ nhỏ, ngoài việc hỏi kinh nghiệm những Phật tử đã từng làm mẹ, Thầy còn thường xuyên lên YouTube để học. Vậy mà những lúc nửa đêm các bé sốt cao, co giật… Thầy cũng không tránh khỏi bối rối.

Lâu thành quen, giờ đây hình ảnh tay ẵm, chân chạy, nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện, hay cắt cử thay nhau nuôi bé bị bệnh nặng giờ không còn xa lạ nữa.

mai-am-chua.jpg
Từ ngày nhận nuôi các con, Thầy Thích Nguyên Tâm lúc nào cũng tất tưởi, lo toan, chăm các con từ miếng ăn,giấc ngủ.

“Sống ở gần chùa được chứng kiến đức từ bi của Thầy mà khâm phục. Từ ngày nhận nuôi các con, Thầy lúc nào cũng tất tưởi, lo toan, chăm cho con từ miếng ăn giấc ngủ", Phật tử Nguyễn Thị Kiều chia sẻ.

Tấm lòng của Thầy Nguyên Tâm dành cho các bé đã làm lay động trái tim của nhiều Phật tử, nhiều người đã tình nguyện đến chùa để cùng hỗ trợ thầy chăm sóc các bé.

Hiện nay, để duy trì và nuôi dưỡng các bé, Thầy phải chắt chiu từ các khoản tiền cúng dường của các Phật tử để mua sữa, bỉm, thức ăn…

Khi được hỏi nuôi lũ trẻ có bao giờ thầy cảm thấy mệt và nản không? Nụ cười hiền hậu, ánh mắt ấm áp Thầy chia sẻ: "Vất vả cũng có rất nhiều, nhưng chỉ cần được nhìn thấy bọn trẻ lớn lên bên nhau mỗi ngày là Thầy không thấy mệt”.

Thầy Nguyên Tâm cho biết, nhà chùa cũng đang hoàn tất hồ sơ xin phép các ngành chức năng mở rộng mái ấm, để có thể tiếp nhận thêm các bé bị bỏ rơi, nuôi dưỡng cho các bé học văn hóa để lớn lên trở thành những công dân tốt cho xã hội.

Ngôi chùa cổ Phước Linh được hình thành từ năm 1843, trải qua gần 200 năm tồn tại, Phước Linh cổ tự tĩnh mịch trang nghiêm nay có thêm tiếng trẻ bi bô nô đùa, tiếng trẻ sơ sinh khóc đòi sữa mẹ hoà lẫn với tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh của quý Thầy như một bức tranh về cuộc sống Đạo và Đời cùng hoà quyện.

Phương Khánh