Dữ liệu y khoa

Nguy cơ đường huyết tăng cao sớm ở phụ nữ có thai

  • Tác giả : T.Nga (ghi)
Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ĐTĐ cần được sàng lọc trước tuần thai 15 (3 tháng đầu) và nếu đường huyết > 7,0 và/hoặc HbA1C ≥ 6,5% thì được chẩn đoán là ĐTĐ từ trước khi có thai và cần điều trị tích cực.

Hỏi: Tôi nghe nói đường huyết tăng cao sớm ở phụ nữ có thai sẽ tăng nguy cơ cho sản phụ và thai nhi nhưng không rõ nguy cơ ra sao. Mong KH&ĐS chỉ dẫn.

Đỗ Ngọc Phương (Hà Nội)

dai-thao-duong-thai-ky-.png

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai: Một trong những thay đổi lớn trong khuyến cáo của Hội Đái tháo đường (ĐTĐ) Hoa Kỳ (ADA) năm 2022 là cần sàng lọc ĐTĐ thai kỳ sớm hơn. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ĐTĐ cần được sàng lọc trước tuần thai 15 (3 tháng đầu) và nếu đường huyết > 7,0 và/hoặc HbA1C ≥ 6,5% thì được chẩn đoán là ĐTĐ từ trước khi có thai và cần điều trị tích cực.

Tuy nhiên, nhóm có tăng đường huyết trung gian (từ 5,1 – 6,9mmol/L) cũng cần được lưu ý vì họ có nguy cơ cao bị ĐTĐ thai kỳ ở những tuần sau của thai kỳ, cần điều trị insulin hoặc có các kết cục sản khoa tồi.

Một nghiên cứu tại Bệnh viện Sản khoa Thượng Hải (Trung Quốc) từ năm 2013 – 2017 trên 23.450 sản phụ không bị ĐTĐ thai kỳ, trong đó có 807 sản phụ có tăng đường huyết trung gian (5,1 – 6,9) và 20.692 sản phụ có đường huyết đói (< 5,1mmol/L). Kết quả nhóm có tăng đường huyết có tuổi lớn hơn, BMI cao hơn, và các tỷ lệ thai to, mổ đẻ, đẻ non, tiền sản giật, trẻ sơ sinh bị suy hô hấp cấp hơn.

Ngay cả sau khi đã điều chỉnh cho tuổi và BMI của mẹ cùng một số yếu tố khác thì nhóm có tăng đường huyết đói vẫn có nguy cơ cao hơn phải mổ đẻ (OR = 1,24), đẻ non (OR = 1,75) và trẻ sơ sinh bị suy hô hấp (OR = 3,29) so với nhóm có đường huyết đói bình thường.

Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng rõ ràng về liên quan giữa tăng đường huyết ở những tuần thai đầu với các kết cục tồi về sản khoa ở các phụ nữ có thai, ngay cả khi họ không bị ĐTĐ thai kỳ về sau.

T.Nga (ghi)