Y học và đời sống

Người đàn ông 64 tuổi suýt hoại tử ruột non do thoát vị bẹn

  • Tác giả : Giang Thu
Chủ quan không đi khám khi thấy cơ thể có khối phình bất thường ở vùng bẹn, bìu bên phải kèm chướng bụng, buồn nôn, người đàn ông 64 tuổi suýt hoại tử ruột non do thoát vị bẹn.

Vừa qua, các Bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát – Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP HCM) vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị tắc ruột do thoát vị bẹn.

Bệnh nhân là ông T.H.C. (64 tuổi) nhập viện cấp cứu trong tình trạng sưng đau bẹn bìu phải kèm chướng bụng, buồn nôn, nôn ói.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết, cơ thể có khối phồng vùng bẹn bên phải, xuống bìu khi đi lại nhiều, dù đã phát hiện tình trạng này từ lâu nhưng ông vẫn chủ quan không khám và điều trị ở đâu. Cùng ngày nhập viện, khối phồng vùng bẹn phải to lên nhiều, không đẩy lên được như mọi khi.

Người đàn ông 64 tuổi suýt hoại tử ruột non do thoát vị bẹn - Ảnh BVCC

Người đàn ông 64 tuổi suýt hoại tử ruột non do thoát vị bẹn - Ảnh BVCC

Tại bệnh viện, các bác sĩ thăm khám, kiểm tra hình ảnh thì phát hiện bệnh nhân bị thoát vị bẹn ở vị trí vết mổ cũ (phẫu thuật điều trị phì đại tiền liệt tuyến 8 năm trước). Trên hình ảnh chụp CT-Scan ghi nhận, bệnh nhân bị thoát vị bẹn bên phải khiến ruột non tràn xuống vùng bẹn gây tắc ruột, nguy cơ hoại tử do thiếu máu nuôi.

Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu khẩn để giải phóng tạng thoát vị, phục hồi thành bẹn bằng phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn đặt Mesh trước phúc mạc.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã giải phóng khối thoát vị nghẹt. Đoạn ruột non (khoảng 1m) bị tràn từ ổ bụng xuống vùng bẹn gây nguy cơ hoại tử đã được giải phóng, hồng hào trở lại thoát khỏi nguy cơ bị hoại tử.

Các bác sĩ đã đẩy ruột non trở lại ổ bụng, cắt bỏ bao thoát vị và đặt lưới nhân tạo, tái tạo thành bụng cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân diễn tiến tốt, ông đã ăn uống sinh hoạt và tiểu tiện bình thường.

Các bác sĩ cảnh báo, thoát vị bẹn nghẹt là một bệnh lý rất thường gặp, cần can thiệp sớm ngay sau khi có chẩn đoán để tránh các biến chứng gây hoại tử ruột, tắc ruột.

Thời gian “vàng” để xử trí can thiệp là khoảng 6 -12 tiếng nhằm tránh biến chứng hoại tử ruột hay thoát vị kẹt gây thiếu máu ruột. Nếu chậm trễ, những trường hợp này phải xử trí cắt ruột non gây nặng nề cho bệnh nhân.

Trên những bệnh nhân cao tuổi, có vết mổ cũ vùng dưới rốn hoặc trên xương mu, các Bác sĩ có thể xem xét chụp CT scan bụng chậu để loại trừ nguyên nhân thoát vị thành bụng, thoát vị đùi, thoát vị bịt,… và tiên lượng mức độ nếu có biến chứng để đưa ra hướng xử lý kịp thời.

Đa số các trường hợp thoát vị bẹn không có triệu chứng, đôi khi có sự xuất hiện của một khối phồng ở vùng bẹn, đặc biệt khi vận động mạnh khối phồng tăng về kích thước và người bệnh có cảm giác đau tức. Người bệnh khi có dấu hiệu trên cần đến cơ sở y tế uy tín để được khám, phát hiện bệnh và tư vấn điều trị kịp thời.

Giang Thu