Y học và đời sống

Bị... ghẻ dù rất sạch sẽ

  • Tác giả : Thuý Nga
Nhiều người ưa sạch sẽ nhưng không hiểu vì sao bỗng nhiên lại bị ghẻ mà không biết rằng, nguyên nhân mắc bệnh thường do tiếp xúc với da bị bệnh hoặc lây gián tiếp qua vật dụng như quần áo, chăn ga, gối đệm, giường chiếu.

“Bệnh ghẻ rất dễ lây lan không chỉ trong gia đình, cộng đồng qua tiếp xúc da, chơi đùa cùng nhau... mà ghẻ có thể lây qua quần áo, vật dụng và môi trường xung quanh. Mắc ghẻ dai dẳng nhưng không được chẩn đoán và điều trị kịp thời dễ bùng phát mạnh toàn thân”, BSCKII. Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng Khoa Phó Trưởng Khoa Laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương nói.

Biểu hiện ghẻ trên da của bệnh nhân

Biểu hiện ghẻ trên da của bệnh nhân

“Du lịch” về lây ghẻ cho cả nhà

N.V.T, 19 tuổi (Hòa Bình) đi du lịch cắm trại cùng bạn về thì bắt đầu xuất hiện những nốt mụn nước nhỏ, ngứa nhiều ở cổ tay, bàn tay, bụng rồi lan dần đến đùi, bắp chân, bụng, đùi, đường sinh dục,… Đi khám tại một số phòng khám được chẩn đoán mắc bệnh vảy nến, viêm da cơ địa. Sau ba tháng điều trị liên tục bằng thuốc bôi và uống, tình trạng bệnh không thuyên giảm.

Hàng trăm nốt sần đường kính 3-5mm nổi gồ trên bề mặt da gây ngứa dữ dội, đặc biệt ban đêm. Một số nốt sần lâu ngày hết ngứa, đóng mài, chuyển thành vết tăng sắc tố...

Đặc biệt là cả nhà 4 người cũng đều có các triệu chứng giống nhau như nổi mụn nước, ngứa,... Tình trạng ngứa khiến mọi người thường xuyên mất ngủ, ban ngày mệt mỏi, uể oải, làm việc kém hiệu quả...

Cuối cùng cả nhà anh xuống Hà Nội để khám thì mới hay bị nhiễm ghẻ. Tuy nhiên do mắc ghẻ dai dẳng nhưng không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh bùng phát mạnh toàn thân, sau điều trị ghẻ, anh T. phải can thiệp thẩm mỹ để giảm thâm.

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ghẻ, cả gia đình anh T. rất ngạc nhiên vì nhà cửa, giường chiếu, quần áo... luôn được vệ sinh sạch sẽ, vẫn bị mắc bệnh.

Khảo sát của PV Khoa học và Đời sống cho thấy, gần đây rất nhiều người ở cả nông thôn và thành thị bị bệnh ngoài da, đi khám mới được chẩn đoán bệnh ghẻ. Tại Trung tâm Da liễu thẩm mỹ Hùng Vương (Phú Thọ) thường xuyên tiếp nhận một số ca bệnh về da liễu liên quan đến ký sinh trùng ghẻ.

Các chuyên gia cho biết, ngứa, nổi mụn nước trên da là tình trạng thường gặp đối với nhiều bệnh nhưng nổi bật trong điều kiện khí hậu hiện nay là bệnh ghẻ.

Theo ThS.BS Lê Thị Hoài Thu, Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh ghẻ rất dễ lây truyền, thông qua các con đường như:

Tiếp xúc da trực tiếp với nhau: trẻ con chơi đùa với nhau, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân, người sống chung trong một gia đình. Ngoài ra bệnh còn lây khi tiếp xúc qua da khi quan hệ tình dục.

Tác nhân truyền bệnh: ghẻ có thể sống trên quần áo hoặc vật dụng xung quanh 2 ngày nên người bình thường cũng có thể bị lây ghẻ mặc dù không tiếp xúc trực tiếp với da người bệnh.

Với người mắc ghẻ số lượng lớn (ghẻ vảy), ghẻ rơi ra ngoài môi trường hàng ngày rất lớn nên dễ lây nhiễm cho người xung quanh.

Phát hiện điều trị sớm tránh biến chứng

BSCKII. Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, nguyên nhân chính gây bệnh do ghẻ cái. Đây là một loại ký sinh trùng phát triển và sinh sản duy nhất trên da người, ghẻ có thể sống khoảng 30 ngày trên da người và 2 ngày trên quần áo, giường chiếu,...

Ghẻ cái ký sinh ở lớp sừng của thượng bì, đào hang về đêm, đẻ trứng ban ngày, mỗi ngày đẻ 1 - 5 trứng, trứng sau 72 - 96 giờ nở thành ấu trùng, sau 5 - 6 lần lột xác (trong vòng 20 - 25 ngày) trở thành con ghẻ trưởng thành, sau đó bò ra khỏi hang, giao hợp và tiếp tục đào hầm, đẻ trứng mới. Mỗi chu kỳ sinh sản kéo dài 2-7 tuần.

Người bị mắc ghẻ chủ yếu là do tiếp xúc với da bị bệnh hoặc lây gián tiếp qua vật dụng như quần áo, chăn ga gối đệm giường chiếu. Biểu hiện dễ nhận biết bệnh ghẻ là: Có nhiều người sống chung một nhà có triệu chứng; Ngứa dữ dội trên diện rộng, đặc biệt về ban đêm do ghẻ đào hang vào buổi tối, gây khó ngủ hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ; Trên da xuất hiện các mụn nước li ti ở vùng da non (quanh rốn, mặt trong đùi, sinh dục…), sẩn nhỏ màu đỏ, cục ghẻ, đường hầm ghẻ do ghẻ cái đào hang, vết cào gãi do ngứa nhiều…

Vị trí thường gặp ở quanh rốn, cổ tay, sinh dục, ngực, mông,… Bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như:

Tại chỗ: bên cạnh tổn thương ghẻ, xuất hiện đám da đỏ trên có mụn nước nhỏ tập trung thành đám;

Bội nhiễm: mụn nước biến thành mụn mủ, có thể viêm tấy lan rộng.

Toàn thân: có thể gây viêm cầu thận do nhiễm bởi độc tố ghẻ hoặc liên cầu khuẩn.

Theo ThS.BS Lê Thị Hoài Thu, khi phát hiện bệnh ghẻ, cần điều trị cho bệnh nhân và cả gia đình, tập thể.. vì ghẻ rất dễ lây lan.

Vệ sinh cá nhân, cắt ngắn móng tay, không chà xát cào gãi vào tổn thương gây nhiễm trùng. Giặt sạch quần áo, chăn màn, phơi nơi khô nắng, thoáng mát hoặc sấy khô. Đồ dùng cá nhân, đồ đạc vệ sinh hoặc cho vào túi nilon buộc kín trong ít nhất 72 giờ vì ghẻ thường chết khi không ký sinh trên người trong 2-3 ngày.

Có nhiều thuốc bôi sử dụng cho người bị bệnh ghẻ trong đó phổ biến nhất là permethrin 5% với hiệu quả hơn 90% các trường hợp mắc ghẻ người lớn và trẻ em trên 2 tháng tuổi. Ngoài ra, còn có benzyl benzoat 25% cho người lớn, 10-12,5% cho trẻ nhỏ trên 1 tuổi. Ivermectin 1%, spinosad 0,9% dùng cho người lớn và trẻ em trên 4 tuổi. Crotamiton 10%, malathion 0,5%, diethyl phthalate (DEP) cũng là những thuốc bôi trước đây hay dùng. Thuốc lindan vì nhiều độc tính nên không được sử dụng nữa.

Mỡ lưu huỳnh 2-10%: dung được cho cả người lớn và trẻ em dưới 2 tháng tuổi, có thể dùng được cho phụ nữ có thai và cho con bú do an toàn, không gây độc tuy nhiên thuốc có nhược điểm là gây mùi khó chịu.

Với trường hợp ghẻ có biến chứng bội nhiễm thường do tụ cầu vàng trên da dùng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân tùy từng trường hợp. Bôi corticoid trong trường hợp ngứa, chàm hóa, nếu sẩn cục dai dẳng có thể tiêm corticoid nội tổn thương.

Trường hợp ghẻ vảy, cần làm mềm vảy bằng dưỡng ẩm, mỡ salicylic bạt sừng bong vảy. Đối với thuốc đường toàn thân theo chỉ định của bác sĩ.

Thường các tổn thương mụn nước, đường hầm ghẻ sẽ hết sau 1 tuần, một số trường hợp sẩn ngứa dai dẳng có thể thêm 1-2 tuần nữa. Tuy nhiên nếu ghẻ vẫn ngứa dai dẳng trên 4 tuần, cần phải khám lại để loại trừ trường hợp tái nhiễm hoặc có bệnh lý khác.

Cách trị ghẻ và phòng ngừa ghẻ hiệu quả tại nhà

Đối với mắc bệnh:

- Cách ly với những người xung quanh: người bệnh cần có chế độ sinh hoạt riêng, không đến những nơi công cộng tránh lây lan cho những người xung quanh.

- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ: Tắm xà phòng diệt khuẩn, tuân thủ thoa thuốc điều trị ghẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, thay đồ dùng vệ sinh cá nhân hàng ngày.

- Vệ sinh quần áo sạch sẽ: toàn bộ quần áo, chăn màn, ga gối đệm giặt sạch, khử trùng ở 60 độ C, ủi khô, bịt kín bằng túi nhựa trong 1 tuần.

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ: vệ sinh tay cầm cửa, khu vực xung quanh…

Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân.

Đối với người chưa mắc bệnh

- Vệ sinh cơ thể, nhà cửa, đồ dùng cá nhân sạch sẽ

- Giữ môi trường xung quanh sạch sẽ

- Khi có nguy cơ mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người bị ghẻ, cần nhanh chóng cách ly và đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Thuý Nga