Đời sống

Miệt mài tập cầu lông khống chế bệnh tiểu đường

Không khó khăn gì để bắt gặp ông Nguyễn Hòa Bình (65 tuổi, trú tại số 6 ngõ Trung Tả, Khâm Thiên, Hà Nội) tại công viên Thống Nhất vào mỗi sáng cùng với cây vợt, quả cầu lông, thi đấu với những người cùng tuổi bằng niềm đam mê như một vận động viên thực thụ.

Đang khỏe hóa mệt vì tiểu đường

Ông Bình trước công tác tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Khi còn đi làm, công việc lu bu nên ông quên hết bệnh tật, hỏi bệnh gì ông cũng không mắc. Vòng xoáy công việc cuốn ông vào nên không thăm khám, chẳng bệnh tật, thỉnh thoảng ông chỉ sổ mũi, hắt hơi nhẹ, uống vài viên thuốc là khỏi. Kể từ khi nghỉ hưu, rảnh rỗi thời gian, ông bắt đầu đi khám để tầm soát sức khỏe. Chao ôi, ông mới phát hiện ra bệnh tiểu đường.

Những lúc đường cao nhất, chỉ số lên tới 11 mmol/L ông cảm thấy mệt, chán ăn, thỉnh thoảng còn chóng mặt. Kể từ đó, hàng tháng ông Bình đều đến viện để khám, lấy thuốc uống “trường kỳ kháng chiến”.  Với bệnh tiểu đường, bác sĩ khuyên ông muốn có sức khỏe thì nên tăng cường vận động để năng lượng tiêu hao, điều chỉnh chỉ số đường huyết về tiêu chuẩn.

Ăn uống phải kết hợp luyện tập mới là phương pháp chữa bệnh lâu dài, mang lại hiệu quả cao, phòng tránh biến chứng. Nghĩ tới các biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra như mù lòa, cắt cụt chi, suy thận…ông cảm thấy sợ. Từ đó ông chăm chỉ luyện tập bộ môn thể thao yêu thích là cầu lông, trước đây có muốn tập ông cũng không có thời gian.

“Sáng sáng năm rưỡi tôi đã có mặt tại công viên Thống Nhất để tập. Tôi tham gia câu lạc bộ cầu lông sân cầu anh Trỗi (gần tượng đài anh Nguyễn Văn Trỗi). Câu lạc bộ có khoảng 20 người. Đây là những người ưa hoạt động, đam mê với bộ môn cầu lông. Lúc trẻ chưa có thời gian tập, giờ về nghỉ hưu bao nhiêu dồn nén được bung ra. Có những hôm mưa nhỏ, chúng tôi còn choàng áo mưa để đánh. Môn cầu lông phối hợp được nhiều thứ để nâng cao sức khỏe. Muốn chơi tốt phải di chuyển nhanh, chân tay phối hợp linh hoạt, mắt nhìn nhanh. Bộ môn này duy trì được sự dẻo dai, con người không ì trệ”- ông Bình nói.

Hồi còn đi làm ông Bình rất thích bơi lội. Khi ở dưới nước, cơ bắp như được giải thoát. Sau mấy lần đi bơi, không hiểu do nguồn nước không tốt hay do cơ thể ông không phù hợp với bộ môn này mà ông bị viêm xoang. Viêm xoang khiến đầu ông buốt, hai mắt căng tức nên từ sau lần điều trị viêm xoang dài ngày ông đã ngừng bơi lội. Về hưu ngày tháng rộng dài, ông duy trì lịch tập cầu lông đều đặn từ 5 giờ 30 phút sáng đến 8 giờ. Tập xong ông về nhà ăn sáng, phụ giúp vợ cơm nước cho con cháu.

Ăn tăng bữa sáng, giảm bữa tối, bữa phụ ưu tiên rau

Ông Bình sống với vợ và gia đình người con trai lớn. 2 người con khác của ông đã ra ở riêng. Các cháu ông đã lớn nên không phải nhờ đến vợ chồng ông. Cả ngày hai ông bà ở nhà, ngoài thời gian tập luyện nâng cao sức khỏe ông bà chỉ dọn dẹp, cơm nước bữa chiều cho các con. Ông bà chiều các con. Các con ăn gì ông bà ăn theo. Từ khi bị bệnh, ông ăn ít cơm, cơ bản là ăn rau. Có những hôm buổi sáng, buổi trưa chót ăn nhiều thì tối ông chuyển sang ăn rau. Hoa quả ông ưu tiên cam, bưởi…là những quả mọng, ít đường.

Ông chịu khó chia nhỏ bữa ăn, không bao giờ để đói quá vì bệnh tiểu đường dễ tụt đường huyết, mà tụt có khi còn nguy hiểm hơn tăng. Bữa sáng của ông là bữa chính, bữa trưa ăn giảm, bữa tối giảm nữa. Bữa phụ ăn thêm rau, hoa quả. Nhờ tập luyện và ăn uống điều độ, ông kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, dù chỉ số này lên hay xuống cũng chỉ xung quanh tiêu chuẩn mà thôi.

Nhìn các động tác phát cầu, đập cầu, treo cầu, đẩy cầu của ông dứt khoát, chọn vị trí đỡ cầu chuẩn xác, ít ai biết được thời gian trước đây ông từng phải sống với bệnh tiểu đường khổ sở. Ông Bình giờ đã khống chế được bệnh, ngược lại sức khỏe đi lên, tinh thần thoải mái, tốt hơn thời còn đi làm.

Khánh Thủy