KINH TẾ

Kinh tế Việt Nam đang ở đáy chữ U, bắt đầu phục hồi nhẹ

  • Tác giả : Tuyết Vân - Đỗ Hoàng
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi vào năm 2024 là rõ nét. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn nên quan tâm đến phần quản trị rủi ro...
TS. Le Xuan Nghia: Kinh te Viet Nam dang o day chu U, bat dau phuc hoi nhe

TS. Lê Xuân Nghĩa trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất của Diễn đàn.

Kinh tế Việt Nam bao giờ thoát đáy, hồi phục là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. Ý kiến dự báo về sự phát triển của kinh tế Việt Nam cũng như phán đoán xu hướng chính sách tiền tệ thời gian tới của TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đã thu hút nhiều chú ý tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) vừa diễn ra ngày 8/8 tại Hà Nội.
Còn dư địa giảm lãi suất
Trả lời câu hỏi tình hình kinh tế thế giới có gì bất lợi cho Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, lạm phát toàn cầu đang lắng xuống, chỉ số đô la toàn cầu cũng đang có xu hướng đi xuống, bên cạnh đó nhiều định chế tài chính và các tổ chức quốc tế lại đưa ra các dự báo tăng trưởng với kịch bản trái ngược nhau. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu liên tục tăng trưởng, điều này đặt ta vào nguy cơ rủi ro về đầu tư rất lớn.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, năm 2022 chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá của Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào quá trình chống lạm phát. Việt Nam nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào nên việc giảm thuế hàng nhập khẩu, đặc biệt là thuế xăng dầu có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm lạm phát chi phí đẩy. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kết hợp việc tăng lãi suất trong điều hành chính sách tiền tệ đồng thời kiểm soát tỷ giá hối đoái.
Vị chuyên gia kinh tế này nhận định, năm 2023, chính sách tài khoá vẫn tiếp tục theo hướng giảm 1 số loại thuế như VAT... Hiện chính sách tiền tệ đã bắt đầu hỗ trợ phục hồi. Mặc dù lãi suất của Việt Nam đã giảm khá nhanh ở phân khúc tiền gửi, nhưng bất chấp NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành, phân khúc cho vay vẫn còn rất cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 15-17%/năm.
"Có doanh nghiệp chịu lãi suất 17% cho vay làm điện mặt trời tại một ngân hàng tên tuổi và gần đây được ngân hàng hứa giảm xuống 15%, đến tháng 9 này mới được giảm xuống 14%. Lãi suất thực 10%/năm - không có nước nào cao như thế", TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
TS. Le Xuan Nghia: Kinh te Viet Nam dang o day chu U, bat dau phuc hoi nhe-Hinh-2
Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023). Ảnh: Dũng Minh
Một trong những nguyên nhân khiến lãi suất vẫn đang khá cao, theo ông Nghĩa là do ngành ngân hàng vẫn đang phải theo dõi chặt chẽ biến động tỷ giá. Tuy vậy, có 3 yếu tố để dự báo tỷ giá sẽ giảm từ nay đến cuối năm, có thể là do tỷ giá đồng USD khó “sốt” trở lại và NHNN có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.
Thứ nhất, chỉ số USD-index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD-index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay. Điều đó đồng nghĩa với việc áp lực đối với tỷ giá của Việt Nam rất nhỏ.
Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng gây áp lực với tỷ giá, song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp thông qua thuế, phí xăng dầu...
Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương. Tháng 7 vừa qua, thặng dư thương mại của Việt Nam khá lớn, bổ sung vào cán cân thanh toán quốc tế khá tích cực, áp lực với tỷ giá hối đoái không còn mạnh. Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Chỉ số kinh tế của Việt Nam sẽ khá hơn
Dự báo năm 2023 và cả năm 2024 tỷ giá hối đoái vẫn ổn định. Với một quốc gia mở như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ.
Trên thế giới, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu đang nhích lên, cho thấy kinh tế thế giới đang ở đoạn cuối của đáy sau đó sẽ phục hồi. Kinh tế Việt Nam đang đi theo đáy chữ U từ tháng 11/2022 và bắt đầu phục hồi nhẹ.
TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo, quý IV/2023, các chỉ số kinh tế của Việt Nam sẽ khá hơn và nền kinh tế có thể phục hồi nhẹ từ cuối năm nay sang nửa đầu năm sau. Khả năng Việt Nam phục hồi vào năm 2024 là rõ nét.
Tuy nhiên, Viện trưởng BID khuyến cáo cần lưu ý về tình trạng suy kiệt thanh khoản của nền kinh tế và vấn đề tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Hiện nay tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (3%) ở mức thấp so với GDP theo giá hiện hành của Việt Nam (7%), trong khi vòng quay của tiền dưới 1 (theo tính toán của ông Nghĩa là 0,64%). Điều này khiến cho thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt dù tiền có trong ngân hàng thương mại dư thừa.
Để lấy lại lòng tin cho thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán và bất động sản, TS. Nghĩa đề nghị các ngân hàng thương mại đặc biệt là các ngân hàng lớn nhìn vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp để cấp tín dụng.
Theo ông Nghĩa khi rơi vào khủng hoảng các nước đều "lùi" yêu cầu về tài sản thế chấp và tập trung vào thẩm định khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam muốn vay là phải có tài sản đảm bảo, trái phiếu doanh nghiệp cũng đòi có tài sản thế chấp. Ai quản lý, ai thanh lý tài sản thế chấp cũng là vấn đề vô cùng phức tạp. Do đó, về điều kiện cấp tín dụng, nên tập trung vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp thay vì yêu cầu tài sản thế chấp.
Tuyết Vân - Đỗ Hoàng