Đời sống

Học cách sống không làm khổ mình, khổ người

Học cách sống không làm khổ mình, khổ người để

ThS Trương Thị Kim Hoa- Giám đốc Trung tâm Dân số- KHHGĐ quận Hoàn Kiếm.

Bệnh tật là ta đang trả nghiệp ác

Tại hội nghị tổng kết hoạt động của Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi, chị Trương Thị Kim Hoa đã nói về một nghịch lý trong xã hội hiện nay: Khi trẻ thì cứ lao vào kiếm tiền để lúc về già lại đổ hết ra để chữa bệnh.

Cứ vào các bệnh viện là thấy, các bệnh ung thư, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, gout… rất nhiều người mắc. Điều trị tốn kém vô cùng. Cả đời kiếm tiền, mà có khi chỉ một vài đợt chữa bệnh là hết sạch.

Chị Hoa chia sẻ, ở đời ai cũng mưu cầu hạnh phúc, nhưng phần lớn chỉ biết lao vào kiếm tiền, công danh và lợi lộc, vì họ nghĩ rằng những thứ đó có thể mang lại hạnh phúc.

Do xác định mục tiêu lệch như vậy, nên họ có nhiều hành động làm khổ mình, gia đình và những người xung quanh. Lao lực kiếm tiền làm hao mòn sức khỏe; quát nạt nhân viên gây thù oán, sân giận; buồn phiền khi thất bại, sống phóng túng khi thành công …; phá hoại môi trường; sát hại sinh linh … những điều này gây ra hậu quả lúc về già họ bị bệnh tật, tai nạn, gặp nhiều chướng ngại trong tâm…

Một người trồng rau sạch để ăn, còn rau phun thuốc để bán, đến khi bị ung thư vẫn cứ thắc mắc mình ăn rau sạch mà vẫn bị bệnh là sao. Bệnh từ tâm ác chứ còn từ đâu nữa.

Bệnh tật là ta đang phải trả nghiệp ác mà mình đã gây ra. Bệnh tật còn là do ác tâm, do tâm hồn không thanh thản, do cơ thể làm việc quá sức, do giận dữ, phiền não, do sống thiếu đạo đức, thiếu lòng yêu thương sự sống của muôn loài.

Cái thiếu nhất là đạo đức làm người

Đến nói chuyện tại các trường học, chị nhận ra một điều, nhiều đứa trẻ rất thiếu lòng yêu thương. Có lần, chị kể cho các em nghe câu chuyện, một học sinh không cho bố đến đón trước cổng trường vì bố các bạn khác thì đi ô tô, còn bố em lại đi xe đạp lấy nước gạo.

Rồi một lần ông đi qua cổng trường và bị trượt ngã. Chị đặt câu hỏi, nếu em là bạn ấy em sẽ làm gì, em có chạy ra nâng ông ấy dậy không? Không một cánh tay nào giơ lên. Thực ra, các em không sai, cái sự ích kỷ đấy chính là chúng ta. Vì chúng ta chưa dạy về lòng yêu thương cho trẻ.

Xã hội càng phát triển, càng đầy đủ tiện nghi cứ tưởng con người sẽ ngày càng hạnh phúc. Nhưng cứ nhìn quanh ta mà xem, người ta bon chen, làm những điều xấu xa, hãm hại nhau chỉ vì danh, lợi, vì tiền bạc…

Đó là vì họ chưa hiểu được đường đi của nhân quả. Chưa nhìn thấy nên chưa biết sợ. Vì thế mà càng chịu nhiều đau khổ hơn. Và cái thiếu nhất của chúng ta hiện nay là đạo đức làm người, là lòng yêu thương và tha thứ.

Chỉ có đạo đức mới quân bình được giữa vật chất và tinh thần, khiến chúng ta được sống an vui hạnh phúc. Đạo đức đó là những hành động hàng ngày của chúng ta không làm khổ mình, khổ người.

Con người ta ai cũng có lòng tham: tham tiền bạc, vật chất, tham danh, tham sắc dục, tham ăn… Tham lam là một hành động tự làm hại mình. Vì bản chất hiếu danh tham lợi nên ít ai thấy tội lỗi của mình.

Thế nên phải học tập để có cái nhìn thấu suốt về mọi vật, từ đấy mới có thể tu sửa hàng ngày.

Chị Hoa bảo, từ khi học cách nhìn nhận mọi sự vật như vậy, cuộc sống của chị có rất nhiều thay đổi, ai cũng nhận xét chị hiền hơn trước rất nhiều.

Thực ra thì mọi việc xung quanh vẫn vậy thôi. Ra ngoài vẫn chen chúc, tắc đường, bụi bặm, ô nhiễm. Đến cơ quan vẫn chuyện nọ việc kia khiến mình không hài lòng. Về nhà chồng con đi sớm về muộn, lắm chuyện bực mình…

Nhưng cách nhìn thay đổi, thương yêu, tha thứ nhiều hơn, chia sẻ… khiến mình không bực bội nữa, mọi việc đều nhẹ nhàng, trong lòng thanh thản, an lạc.

Bảo Anh