Thời sự

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế Chính phủ trình Quốc hội có gì đáng chú ý ?

  • Tác giả : Quốc Trọng
Chính phủ đề xuất dùng 291.000 tỷ đồng để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động... và nhiều chính sách khác.

Chính phủ vừa có tờ trình Dự thảo về Chính sách tài khóa , tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gửi Quốc hội xem xét trong kỳ họp bất thường từ ngày 4/1/2022.

Chính sách này tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ gồm: chi cho mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh  (110.000 tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển  (113.850 tỷ đồng) và Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính sách lần này gồm hỗ trợ tài khóa 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số giải pháp hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán cụ thể.

Ngoài ra, Chính phủ cũng tính đến vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài  theo hình thức hỗ trợ ngân sách, hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ.

Trong các giải pháp, giải pháp tài khóa gồm giảm thuế, phí, lệ phí là 64.000 tỷ đồng (chưa tính đến tác động tích cực của Chương trình đến khả năng tăng thu ngân sách Nhà nước). Chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển.

Với giải pháp tiền tệ, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 02 năm.

Dự thảo cũng nêu hướng sử dụng khoảng 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch.

Dự thảo cho biết sẽ theo dõi sát tình hình, sẵn sàng bán can thiệp thị trường ngoại tệ trong trường hợp phát hành trái phiếu Chính phủ ngoại tệ trong nước  tác động tới thị trường ngoại hối.

Chiều 3/1, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra Tờ trình này. Trong đó, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội  cũng đề nghị Chính phủ bổ sung, tính toán lại số liệu để làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra còn đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên đến tăng trưởng kinh tế, cân đối vĩ mô, lạm phát, nợ xấu…

Ví dụ như phân tích rõ hơn về nhận định “tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% năm 2022 và 0,2% năm 2023” có phải so với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội thông qua tại Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội hàng năm (như vậy, GDP năm 2022 có thể tăng tới 8,9% - 9,4% có khả thi hay không?).

Đồng thời, tác động đến lạm phát chưa được phân tích số liệu cụ thể; chưa có đánh giá đối với tình hình nợ xấu trong thời gian tới.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng cần tính toán kỹ dư địa chính sách trong thời gian triển khai Chương trình và trong cả giai đoạn 2021-2025 để làm rõ khả năng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia. 

Quốc Trọng