KINH TẾ

Giải ngân vốn ngoại đang tăng trở lại

  • Tác giả : Nhật Nam
(khoahocdoisong.vn) - Sau thời gian bị sụt giảm do đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, vốn FDI thực hiện của các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 5 đã có dấu hiệu tăng trở lại.

Theo Bộ KH&ĐT, trong tháng 5, số vốn thực hiện của nhà đầu tư ngoại ước đạt 1,55 tỷ USD, cao hơn 250 triệu USD so với tháng trước đó và tăng 150 triệu USD so với tháng 3, 700 triệu USD so với tháng 2/2020.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rót khoảng 6,7 tỷ USD vốn thực hiện các dự án đầu tư trên cả nước, giảm khoảng 600 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả  trên cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã tin tưởng về việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam và đẩy nhanh việc rót vốn triển khai thực hiện các dự án đầu tư mới hoặc còn dang dở trước đây. Đáng chú ý, số vốn triển khai thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng này cao hơn cả tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết mới và vốn bổ sung tăng thêm.

Cụ thể, theo Bộ KH&ĐT, trong tháng 5, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết mới và vốn bổ sung tăng thêm chỉ đạt hơn 1 tỷ USD, thấp hơn đến 550 triệu USD so với số vốn đã thực hiện. Đây cũng là một trong những tháng hiếm hoi mà có tổng nguồn vốn thực hiện cao hơn cả tổng vốn FDI cam kết mới và vốn bổ sung tăng thêm.

Nếu tính cả 512 triệu USD của 318 lượt góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian này, thì cũng mới tương đương với số vốn thực hiện của nhà đầu tư FDI trong tháng 5 này.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến nay, cả nước có khoảng 31.900 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 373 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 217 tỷ USD, bằng 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo các chuyên gia, trước khó khăn trong thu hút đầu tư do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam cần tạo điều kiện cho những nhà đầu tư đang làm dở dang, đã được cấp giấy phép tiếp tục hoạt động, gỡ vướng về mặt bằng, hay chính sách… để họ bỏ vốn ra làm tiếp. Năm ngoái, tổng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân chiếm 24,3%, năm nay chỉ cần thêm 1 - 2%, giải ngân khoảng vài tỷ USD sẽ giúp tăng trưởng của Việt Nam tăng thêm 1%.

Nhật Nam