KINH TẾ

Vốn đầu tư FDI và cơ hội từ các nhà đầu tư ngoại

  • Tác giả : Minh Quang
(khoahocdoisong.vn) - Trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị định hướng khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài và có chọn lọc để xây dựng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các dự án lớn, dự án công nghệ cao.
Cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

Cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

Đến lúc đổi mới

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có một Nghị quyết riêng về định hướng chiến lược trong thu hút, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn tới, nhằm nâng cao hiệu quả của dòng vốn này.

Thực tế, sau 30 năm thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam, khu vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. FDI từ những năm đầu chỉ từ 1 tỷ USD đầu tư, thì đến tháng 6/2019 đã thu hút được hơn 200 tỷ USD, gấp khoảng 200 lần. Lũy kế đến ngày 20/10/2019, cả nước có 30.136 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 358,53 tỷ USD.

FDI đã vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 210,69 tỷ USD (chiếm khoảng 58% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58,5 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư). Sản xuất, phân phối điện với 23,58 tỷ USD (chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư).

Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, đã có 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 66,62 tỷ USD (chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư), Nhật Bản đứng thứ hai với 58,92 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan và Hồng Kông...

Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và cả những vấn đề mới phát sinh. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đầu tư nước ngoài đã trở thành nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thu hút vốn đầu tư thành công trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên, hiệu quả của vốn FDI vào nền kinh tế nước ta chưa tương xứng với số lượng của mức đầu tư.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong một chừng mực nào đó, đầu tư FDI không có sự lựa chọn, giá trị gia tăng các dự án FDI tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam là tương đối thấp. Trong các dòng vốn FDI cũng có hiện tượng chuyển giá, và đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi, có xu hướng gia tăng.

Thực tế cho thấy, thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Nghị quyết 50-NQ/TW có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta trong thời kỳ mới. Nghị quyết đã mở ra một thời kỳ mới, một làn sóng mới trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển.

Thu hút dòng vốn FDI lớn, công nghệ cao

Theo quan điểm của Bộ Chính trị, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế là một trong những mục tiêu tổng quát quan trọng được đặt ra.

Nghị quyết 50-NQ/TW đặt nhiệm vụ xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ.

Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ Chính trị cũng yêu cầu nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, xuất phát từ đường lối của Đảng để khẳng định rất rõ định vị khu vực kinh tế trong nền kinh tế Việt Nam. Trong đó kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã tạo thành nền tảng của nền kinh tế. Khi xác định khu vực kinh tế trong nước là nền tảng, có nghĩa FDI sẽ đóng vai trò như khu vực bổ trợ. Khu vực liên kết, tích hợp với khu vực trong nước.

Khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam sẽ được quyết định bởi sự vững mạnh của khu vực kinh tế trong nước, cộng hưởng với khu vực đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong thể chế cần phải tính đến chuyện không nên khuyến khích các dòng vốn mỏng, công nghệ thấp. Trên thực tế dòng vốn quá nhỏ, trong lĩnh vực thấp thì doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cũng có thể làm. Hãy tạo dư địa cho doanh nghiệp trong nước.

Trong Nghị quyết 50-NQ/TW, then chốt quan trong bậc nhất là mục tiêu: Trước năm 2021, Việt Nam phải trở thành 1 trong 4 nền kinh tế lọt vào nhóm 4 của ASEAN về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Trước 2030, phải nằm trong nhóm 3 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Tức là Việt Nam phải trở thành một trong những nền kinh tế dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, mục tiêu đó về thể chế là quan trọng bậc nhất để cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh. Và có thể nâng cấp thúc đẩy được cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Minh Quang