Dữ liệu y khoa

Đối tượng có nguy cơ mắc viêm gan nhiễm độc cấp

  • Tác giả : BS Nguyễn Đức Minh
Viêm gan nhiễm độc cấp thường do thuốc hoặc hóa chất, khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn, đau bụng vùng gan. Bệnh nặng có thể tiến triển sang giai đoạn hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, hạ đường máu, suy thận…nên cần biết để phòng tránh.

Bệnh viêm gan nhiễm độc là gì?

Chức năng của gan là gồm chuyển hóa các chất độc hại để thải trừ ra khỏi cơ thể và tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể. Nhiễm độc gan là tình trạng tổn thương gan do nguyên nhân virus hoặc thuốc/chất gây hại gan, dẫn đến suy giảm các chức năng gan. Tuy nhiên, nói đến viêm gan nhiễm độc thường là nói đến tổn thương gan do thuốc hoặc hóa chất.

Các tác nhân có thể là nguyên nhân gây viêm gan nhiễm độc:

- Một số thuốc, đặc biệt khi dùng quá liều hoặc kéo dài, như thuốc ngủ, thuốc giảm đau hạ sốt, kháng sinh (thuốc lao…), thuốc điều trị tâm thần, ung thư…

- Thuốc không rõ nguồn gốc, không được kê đơn chính thống: thực phẩm chức năng không rõ tính năng, thuốc nam bắc không rõ nguồn gốc.

- Các chất kích thích: rượu bia, ma túy

Đối tượng có nguy cơ mắc viêm gan nhiễm độc

- Người có tiền sử lạm dụng rượu, nghiện chất

- Người uống quá liều thuốc: thuốc trầm cảm, rối loạn tâm lý …

- Người đang điều trị thuốc lao, hóa chất ung thư …

- Người lạm dụng thuốc không kê đơn, không rõ nguồn gốc, bao gồm cả thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng...

Đối tượng có nguy cơ mắc viêm gan nhiễm độc cấp ảnh 1

Đối tượng có nguy cơ mắc viêm gan nhiễm độc cấp

Biểu hiện của viêm gan nhiễm độc

Đa số trường hợp ít có biểu hiện lâm sàng, phát hiện tổn thương gan thông qua xét nghiệm men gan và chức năng gan. Các trường hợp có triệu chứng sẽ biểu hiện:

- Giai đoạn sớm: mệt mỏi, sợ mỡ, nổi mụn nhọt, ngứa, đau bụng vùng gan…

- Trường hợp nặng có thể có hội chứng suy tế bào gan: vàng da, mệt mỏi, chán ăn, hơi thở có mùi hôi khai, chảy máu khó cầm, li bì, khó ngủ.

- Nặng hơn nữa có thể tiến triển sang giai đoạn hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, hạ đường máu, suy thận, co giật…

Chẩn đoán bệnh bằng:

- Khai thác tiền sử, lâm sàng, xét nghiệm chứng tỏ tình trạng suy gan như tăng men gan, bilirubin, NH3 máu…

- Tìm nguyên nhân bằng các xét nghiệm phát hiện độc chất, và các xét nghiệm loại trừ các nguyên nhân khác gây tổn thương gan.

Điều trị viêm gan nhiễm độc

- Thuốc giải độc gan, thụt tháo, chống phù não (nếu đã có biểu hiện hôn mê), kháng sinh nếu có bội nhiễm, tăng cường nuôi dưỡng.

- Thủ thuật can thiệp trong trường hợp nặng: đặt sonde ăn, đặt nội khí quản bảo vệ đường thở nếu hôn mê. Lọc máu, lọc huyết tương để hấp phụ chất độc do gan không chuyển hóa, thải trừ được. Ghép gan là giải pháp cuối nếu không cải thiện bằng mọi biện pháp điều trị.

Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào tác nhân gây viêm gan, liều lượng, thời gian nhiễm độc, tình trạng bệnh lý nền, các bệnh gan kèm theo, tình trạng lâm sàng. Tuy nhiên tỷ lệ xấu sẽ gia tăng dần với mỗi cơ quan ngoài gan bị tổn thương (hệ hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, thần kinh, huyết học đông máu)...

BS Nguyễn Đức Minh (Khoa Cấp Cứu - Bệnh Viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

BS Nguyễn Đức Minh