Đời sống

Đời người là một bài tình ca

  • Tác giả : Tuệ Minh
(khoahocdoisong.vn) - Đời người là một bài tình ca, đó là câu kết trong bài thơ "Sự đời" của ông Nguyễn Phú Hiền (81 tuổi, thành viên CLB Yoga cười Lý Thái Tổ).

Đi bằng cái đầu

Ông Hiền tham gia CLB Yoga cười Lý Thái Tổ đến nay đã được 5 năm. Trong suốt quãng thời gian đó, ông không nghỉ ngày nào. Mưa cũng đi (mưa thì chuyển về tập bên Tràng Tiền), rét mướt cũng đi.

Có lần phóng viên VTV làm phóng sự về ông, đúng vào hôm rét nhất, tay cô phóng viên cầm mic còn run vì rét, mà ông vẫn thấy bình thường. Đó là nhờ luyện tập thường xuyên đã tạo nên sức mạnh, vượt lên cả giá rét.

Lúc mới đến đây tập, sức khỏe ông yếu, đi lại còn phải dùng ô để chống. Hôm đầu tiên tập ông đã thấy thích rồi, vì cả tay, chân, bụng đều được vận động, đặc biệt là tâm hồn thấy thoải mái, thư thái và mọi người ở đây đều rất thân thiện. Thế là từ đấy ông đi tập đều. Không đi là không chịu được.

Mấy hôm vừa rồi mưa tầm tã suốt đêm, bà sợ ông đi nguy hiểm nên đã giấu chìa khóa đi. Ông lại đợi cho bà ngủ rồi lấy chìa khóa dưới chiếu để đi. Lại có lần mưa ngập, không đi bộ được, ông phải nhờ anh xe ôm chở.

Nghe ông kể mới biết, trước đây khi tham gia thanh niên xung phong, bị sức ép của bom nên mắt trái của ông rất yếu, đến nay đã hỏng hẳn. Còn mắt phải cũng dưới 1/10, nhìn rất kém. Ông đã thành hội viên Hội người mù quận Long Biên. Nên lúc đầu phải đi xa để tập như thế này vợ con đều phản đối vì sợ đi lại, lên xuống xe, rất nguy hiểm. Nhưng ông bảo, mọi người thích ông đi tập cho vui khỏe hay là thích ngồi một chỗ rồi vợ con phải hầu?

Kể ra thì đi đường lắm lúc cũng nguy hiểm thật, nhất là có 2 đoạn phải sang đường. Thế nên trong túi ông lúc nào cũng có cái đèn pin, khi sang đường ông cứ bấm đèn pin rồi xoay tròn để người ta nhìn thấy mình. May mà tai còn chưa điếc nên vẫn yên tâm. Với lại mắt hỏng thì mình đi bằng cái đầu, chẳng có gì phải buồn phiền. Cuộc đời cho thế nào thì hưởng thế ấy.

Hiện tại là lúc hạnh phúc hơn bao giờ

Sáng nào ông Hiền cũng dậy từ 4h, tập các động tác thể dục cơ bản để khởi động cơ thể. Đến 5h ông ra khỏi nhà, đi 2 chặng xe buýt để 6h kém 15 có mặt ở chân tượng đài Lý Thái Tổ, bắt đầu bài tập yoga cười. 7h tập xong, ông lại đi 2 chặng xe buýt về nhà cách đó gần 15km. Còn những hôm đẹp trời thì lại cùng bạn bè đi ăn sáng, uống cafe, rất vui vẻ.

Không chỉ tập cho vui, cho khỏe, ông còn luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh của người Hà Nội. Ví dụ trước khi tập thì làm lễ trước tượng đài Lý Thái Tổ. Người nước ngoài ra tập cùng hoặc chỉ đi qua rồi chụp ảnh, nên những người tập yoga cười vui vẻ, cởi mở là một hình ảnh về Hà Nội thân thiện. Thậm chí ông còn học mấy câu tiếng Anh để hô cho mọi người tập.

Nhiều người trong CLB vẫn lấy ông Hiền làm tấm gương để ra tập cho đều. Nhà xa, tuổi cao, vậy mà ông đi tập đều nhất, không bỏ buổi nào. Ông bảo, từ khi còn trẻ ông đã quen rèn luyện như thế. Có lúc còn tham gia 5 môn điền kinh của ngành đường sắt.

Với ông Hiền, hiện tại là lúc ông sống hạnh phúc hơn bao giờ hết. Bởi thời trẻ thì vất vả. Hết đi thanh niên xung phong, ông về công tác trong ngành đường sắt, cũng lại đi suốt nên mọi vất vả trong việc nuôi dạy con cái đều dồn cho vợ.

Đến khi ông phải về mất sức vì sức khỏe yếu, hai con còn chưa học xong, có thời gian ông phải đi bán vé số để nuôi con ăn học. Đến nay các con đều trưởng thành, các cháu ngoan ngoãn, quấ quýt bên ông bà, vợ chồng khỏe mạnh, yêu thương nhau, đó là cái lãi của cuộc đời.

Chứ nhiều nhà, lúc trẻ thì thương yêu nhau, già lại trái tính, trái nết, chấp nhặt nhau từ những chuyện nhỏ thì làm sao mà sống vui, sống khỏe được.

Tuệ Minh