Y học và đời sống

Các vị trí đau đầu nguy hiểm đến sức khỏe, cần thận trọng

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Người bệnh thường coi nhẹ các triệu chứng đau đầu. Trên thực tế, cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau với các mức độ nguy hiểm cao thấp tùy thuộc vào tình trạng bệnh của người mắc.

Đau đầu là trạng thái đau ở bất kì khu vực nào vùng đầu. Cơn đau đầu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng thường là triệu chứng của các vấn đề sức khỏe.

Theo Hiệp hội Đau đầu Quốc tế, có hơn 150 loại đau đầu. Một số dạng đau đầu phổ biến bao gồm đau đầu Migraine, đau đầu dạng căng thẳng, đau đầu từng cụm,…

Đau đầu có mức độ từ nhẹ đến nặng với thời gian diễn ra khác nhau. Có cơn đau đầu trong thời gian ngắn nhưng cũng có cơn kéo dài nhiều giờ đến nhiều ngày.

Các vị trí đau đầu nguy hiểm, cần thận trọng. Ảnh minh họa

Các vị trí đau đầu nguy hiểm, cần thận trọng. Ảnh minh họa

Dưới đây là một số vị trí đau đầu nguy hiểm đến sức khỏe, bạn nên thận trọng:

Đau trên đỉnh đầu

Một trong những vị trí đau đầu nguy hiểm mà nhiều người thường bỏ qua là đau trên đỉnh đầu. Bệnh nhân có thể trải qua các triệu chứng đau đầu từ nhẹ đến nặng, cảm giác như có một trọng lượng nặng đè lên đầu, kèm theo buồn nôn, nôn, chóng mặt, khó thở, hoa mắt, nhìn mờ, sụp mí mắt, đau nhức ở các vị trí khác như cổ, vai, gáy, và nhiều biểu hiện khác.

Các nguyên nhân có thể dẫn đến cơn đau đỉnh đầu này bao gồm các vấn đề bệnh lý như huyết áp cao, viêm xoang, thiếu máu lên não, hội chứng co mạch não (có hồi phục), chấn thương gây đau dây thần kinh chẩm, vận động quá sức, tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau, mất ngủ kéo dài, thay đổi thời tiết, thần kinh căng thẳng thường xuyên, và cơ thể đột ngột tiếp xúc với không khí lạnh.

Thường thì cơn đau đỉnh đầu xuất hiện đột ngột và có thể tự giảm sau một vài phút. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cơn đau đỉnh đầu kéo dài, ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều lo ngại và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Đau nửa đầu

Khi bệnh nhân trải qua đau dữ dội một bên đầu, kèm theo buồn nôn, nôn mửa, cảm giác uể oải, mệt mỏi, thay đổi vị giác và tâm trạng, cùng với sự nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng, đây là những biểu hiện tiêu biểu của bệnh đau nửa đầu Migraine.

Các yếu tố được xem xét có thể liên quan đến tình trạng này bao gồm việc sử dụng quá nhiều bia rượu và caffeine, mất ngủ kéo dài, lo lắng kéo dài, sử dụng các loại thuốc làm thay đổi nội tiết tố, hoặc thay đổi trong thời tiết.

Đau đầu vùng trán

Vị trí đau đầu ở vùng trán có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ngoài đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng, thiếu ngủ, mất nước… những cơn đau đầu ở vùng trán cũng là dấu hiệu của bệnh khác (như Hemicrania Continua, u não, viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm xoang…)

Đau đầu sau gáy

Đau đầu sau gáy được xác định là do các nguyên nhân như đau dây thần kinh chẩm, viêm khớp, chấn thương cột sống cổ (như đốt sống, khớp mặt hoặc đĩa đệm…), bệnh rễ thần kinh cổ do dây thần kinh bị chèn ép ở vùng cột sống trên…

Ngoài ra, đau đầu sau gáy cũng là một dấu hiệu cảnh báo của tình trạng có khối u ngay tại vị trí đau. Một số trường hợp bị đột quỵ cũng có thể bị đau đầu sau gáy. Tuy nhiên tình trạng này thường hiếm gặp hơn. Nhưng nhìn chung, đau đầu sau gáy là một trong các vị trí đau đầu nguy hiểm, cần sớm đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân để có hướng điều trị.

Đau đầu phía sau tai

Cơn đau đầu thường xuất hiện ở khu vực gần tai, phía sau tai, có những triệu chứng như giật đau ở một hoặc cả hai bên tai, da đầu trở nên nhạy cảm, và đau tăng lên khi cử động cổ.

Các triệu chứng này có thể là kết quả của các bệnh lý như viêm xương chũm, rối loạn khớp thái dương hàm, viêm thần kinh chẩm, hoặc một số vấn đề liên quan đến răng miệng như khó khăn khi nhai, hôi miệng, đau lợi, và những vấn đề khác.

Đau nhức thái dương

Đau nhức ở cả hai bên thái dương, có đặc điểm là cơn đau buốt trên đầu, thường xuất hiện vào buổi sáng và có khả năng kéo dài trong vài phút hoặc thậm chí vài giờ, làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Nguyên nhân của tình trạng đau nhức hai bên thái dương có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương đầu, viêm màng não, tình trạng khối u, viêm xoang, thiếu máu não, viêm động mạch thái dương, đau nửa đầu, cũng như các vấn đề liên quan đến răng miệng.

Đau toàn đầu

Đau toàn đầu là tình trạng cơn đau không diễn ra tại bất kỳ vị trí cụ thể nào trên vùng đầu. Nguyên nhân có thể do lạm dụng thuốc, đặc biệt là ở những người từng bị đau đầu và thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau mà chưa khám hoặc tư vấn của bác sĩ.

Ngoài ra, vị trí đau đầu lan rộng khắp vùng đầu cũng là một dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, chấn thương đầu, tăng hoặc giảm áp lực nội sọ, viêm màng não, não úng thủy,… Đây đều là những bệnh lý nghiêm trọng, có thể để lại di chứng nặng nề và thậm chí tử vong nếu không can thiệp điều trị kịp thời.

Biện pháp tự chăm sóc khi bị đau đầu

Đau đầu kéo dài có thể tạo ra cảm giác suy nhược trong cơ thể. Thực tế, nhiều cơn đau đầu có thể được giảm nhẹ tại nhà thông qua các biện pháp đơn giản. Dưới đây là một số cách xử trí khi bị đau đầu tại nhà để giảm cơn đau đầu mà không cần sử dụng thuốc:

Uống nước

Mất nước là một nguyên nhân phổ biến của đau đầu, vì vậy hãy đảm bảo bạn uống đủ nước mỗi ngày. Hãy đặt mục tiêu uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để duy trì cân bằng nước trong cơ thể.

Chườm đá hoặc xoa bóp

Nếu bạn bị đau đầu, chườm đá lên vùng đau hoặc xoa bóp thái dương và vùng cổ có thể giúp giảm đau. Nhiệt độ lạnh của đá có thể giảm viêm, trong khi xoa bóp có thể giúp giảm căng cơ.

Tập thể dục

Tập thể dục đều đặn có thể ngăn ngừa đau đầu bằng cách giảm căng thẳng và áp lực. Hãy chọn một hoạt động mà bạn thích và thực hiện nó thường xuyên.

Ăn uống lành mạnh

Ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh và trái cây có thể giúp ngăn ngừa đau đầu. Những thực phẩm này cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp cơ thể khỏe mạnh và giảm nguy cơ đau đầu.

Nghỉ ngơi và thư giãn

Căng thẳng thường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau đầu. Nghỉ ngơi và thư giãn tâm trạng có thể giảm căng thẳng và xoa dịu cơn đau đầu. Làm nóng cơ vai và cổ cũng có thể giúp giảm căng thẳng.

Nghỉ ngơi và thư giãn

Căng thẳng thường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau đầu. Nghỉ ngơi và thư giãn tâm trạng có thể giảm căng thẳng và xoa dịu cơn đau đầu. Làm nóng cơ vai và cổ cũng có thể giúp giảm căng thẳng.

Giang Thu (T/H)