Dữ liệu y khoa

Béo phì là bệnh mạn tính nguy hiểm

  • Tác giả : T.Nga (ghi)
Béo phì, đặc biệt là béo bụng (vòng eo ≥ 102cm ở nam và ≥ 88cm ở nữ) gây đề kháng insulin, và đề kháng insulin là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, thoái hóa khớp… là những bệnh mạn tính phổ biến nhất.

Nguyễn Thùy L. (Hà Nội) mới 21 tuổi, cao 1m65 nhưng nặng gần 100kg. Ai cũng khuyên nên cắt giảm ăn uống và tập luyện để giảm cân, nhưng L. không nghe vì thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh. Chỉ đến khi bị đau khớp phải đi viện, bác sĩ kết luận: Béo phì là bệnh mạn tính, L. mới vỡ lẽ.

Lời bàn: TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, béo phì được định nghĩa là tình trạng tích lũy bất thường hoặc quá mức chất béo trong cơ thể, gây tổn hại đến sức khỏe. Chẩn đoán béo phì dựa vào kết quả chỉ số khối cơ thể (BMI). Người châu Á có BMI ≥ 23 – 25 (kg/m2) được gọi là thừa cân, còn nếu BMI > 25 thì được coi là béo phì.

 Béo phì, đặc biệt là béo bụng (vòng eo ≥ 102cm ở nam và ≥ 88cm ở nữ) gây đề kháng insulin và đề kháng insulin là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, thoái hóa khớp… là những bệnh mạn tính phổ biến nhất. Chính vì vậy, béo phì được nhiều tổ chức y tế, trong đó có Hội Y học Mỹ coi là bệnh mạn tính.

Tại Mỹ, béo phì có liên quan với 300.000 trường hợp tử vong sớm mỗi năm, và là nguyên nhân phổ biến hàng thứ hai gây tử vong có thể ngăn ngừa được, chỉ sau hút thuốc lá.

T.Nga (ghi)